Đó là nhận xét của giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc khi trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo tối 3-6, tức ngày khai mạc Đối thoại Shangri-La 2016 do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức.
Theo giáo sư, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của mình ở biển Đông nhưng không đảm bảo về mặt hậu cần và bảo trì, do đó không thể triển khai các trang thiết bị quân sự cần thiết trong một thời gian dài để thực thi ADIZ.
Tháng 5, Mỹ điều tàu chiến lần thứ 3 tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông. Ảnh: AP
“Trung Quốc đã cho xây nhiều đường băng nhưng chưa thực sự có các kho nhiên liệu, không có gì cho việc bảo trì (điều cần thiết) một tàu sân bay nếu ở lại đó trong thời gian dài” - giáo sư Thayer nói.
Theo giáo sư Thayer, thực ra ý định đó không khả thi và chỉ là “lời nói hoa mỹ”, cho thấy Trung Quốc đang “chơi đòn tâm lý” để gây áp lực lên các quốc gia trong khu vực và kiềm giữ họ.
Câu hỏi được đưa ra với giáo sư Thayer sau khi tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 1-6 trích dẫn một nguồn tin thân cận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch khởi động ADIZ ở biển Đông sau những “khiêu khích” của Mỹ trong khu vực tranh chấp.
Tháng trước, Mỹ điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải lần thứ ba ở vùng biển này. Sau đó, hai máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tiếp cận “thiếu an toàn” với máy bay trinh sát EP-3 mang tên Aires II của Mỹ trên biển Đông hôm 17-5.
Bình luận (0)