Kể từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu biến 7 bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo trái phép. Các tàu hút bùn đã khuấy tung những rạn san hô và bóp chết chúng trong quá trình bồi lấn. Giáo sư về sinh vật biển John McManus của Trường ĐH Miami (Mỹ) chua xót bình luận với tạp chí Time: “Điều tồi tệ nhất là những tác hại này sẽ kéo dài vĩnh viễn. Một khi rạn san hô bị chôn dưới hàng tấn cát và sỏi, nó không bao giờ khôi phục được”.
Không chỉ là vùng biển có giá trị thương mại lên tới hơn 5.000 tỉ USD/năm, biển Đông chiếm 1/10 trữ lượng cá của toàn thế giới. Đánh bắt cá ở biển Đông đem lại 130 tỉ USD vào năm ngoái, theo Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc.
Đó là một phần lý do khiến Trung Quốc không ngừng bành trướng trên biển Đông mà âm mưu mới nhất là chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở đây. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) dẫn các nguồn thạo tin trong quân đội Trung Quốc và một báo cáo quân sự cho biết thời gian Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ sẽ phụ thuộc vào tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng.
Các hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên biển Đông khiến Malaysia không còn nhắm mắt cho qua. Nước này vừa thông báo kế hoạch lập cơ sở hải quân gần Bintulu, thuộc bang Sarawak. Về mặt chính thức, đây là nỗ lực chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) của Malaysia nhưng nhiều quan chức và chuyên gia cho rằng mục đích thực sự là chống các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông gần Malaysia.
Về phía Trung Quốc, tuy luôn phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông song chính họ đang lôi kéo nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, trong chuyến thăm Canada của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ ngày 31-5 đến 4-6, căng thẳng trên biển ở châu Á là một nội dung thảo luận chính. Chuyến thăm diễn ra chỉ một tuần sau khi Hội nghị Thượng định G7 tại Nhật Bản, trong đó Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng các nhà lãnh đạo trong nhóm bày tỏ lo ngại về căng thẳng ở biển Đông.
Bình luận (0)