Tạp chí Nikkei (Nhật Bản) ngày 26-2 cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đối thoại với các đối tác châu Âu về tình hình Ukraine cũng như làm rõ quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề này.
"Trung Quốc ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả quốc gia và nghiêm túc tuân thủ mục đích, nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ). Quan điểm này áp dụng với cả Ukraine" - ông Vương tuyên bố.
Cũng theo ông Vương, sau nhiều thập kỷ NATO mở rộng về phía Đông, yêu cầu an ninh chính đáng của Nga nên được giải quyết nghiêm túc và đúng đắn nhưng tình hình Ukraine hiện tại "không phải là điều mà Bắc Kinh muốn chứng kiến".
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một ngày trước đó nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Trung Quốc hỗ trợ giải quyết vấn đề Ukraine thông qua đàm phán. Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc duy trì quan điểm nhất quán về việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả quốc gia cũng như tuân thủ mục đích, nguyên tắc của Hiến chương LHQ, theo Thời báo Hoàn cầu.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin ông Putin đã giải thích nền tảng lịch sử và tình trạng liên quan tới "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga. Ông phàn nàn việc Mỹ và NATO bỏ qua mối lo ngại của Nga. CCTV tiết lộ Moscow sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Kiev.
Trong khi đó, hãng tin AP nhận định Trung Quốc là người bạn duy nhất có thể giúp Nga giảm tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt. Cũng trong tuần này, Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố sẽ nhập khẩu lúa mì từ tất cả khu vực của Nga. Điều đó không thể thay thế toàn bộ doanh thu bị mất của Nga do châu Âu ngừng mua nhưng có thể giúp người nông dân Nga đỡ khó khăn.
Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa dám mạo hiểm vì vẫn cần thị trường Mỹ và châu Âu quan trọng. Ngay cả khi muốn hỗ trợ Nga bằng cách nhập khẩu thêm khí đốt và hàng hóa, khả năng này của Trung Quốc cũng bị giới hạn.
Giao dịch thương mại Trung Quốc - Nga đã tăng lên mức 146,9 tỉ USD vào năm ngoái song chưa bằng 1/10 tổng giao dịch thương mại 1,6 ngàn tỉ USD của Trung Quốc với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Hồi năm ngoái, Trung Quốc mua 1/6 lượng hàng xuất khẩu của Nga, trong đó 2/3 là dầu mỏ và khí đốt, theo nhà kinh tế trưởng châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty IHS Markit (trụ sở tại Anh) Rajiv Biswas.
Ông Biswas dự đoán Trung Quốc sẽ là thị trường tăng trưởng quan trọng đối với xuất khẩu năng lượng của Nga sắp tới.
Trong thập kỷ qua, chính phủ của ông Putin cố gắng mở rộng xuất khẩu sang Viễn Đông để giảm sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Trung Quốc đã mua hàng tỉ USD khí đốt của Nga kể từ khi Moscow bị trừng phạt thương mại và tài chính do sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tuy vậy, nhiều công ty Trung Quốc cũng nhân đó ép giá với phía Nga.
Hiện Trung Quốc cần thêm khí đốt nhưng Nga không thể giao hàng ngay lập tức. Đường ống dẫn khí đốt nối 2 quốc gia đã hoạt động hết công suất. Hai bên ký hợp đồng cung cấp khí đốt trong 30 năm vào tháng trước nhưng các đường ống dẫn khí đốt liên quan tới hợp đồng này sẽ không thể hoàn thành trong ít nhất 3 năm nữa.
Bình luận (0)