Đô đốc Scott Swift từng có chuyến tuần tra kéo dài 7 giờ trên máy bay P-8A Poseidon hồi tháng 7 để thị sát hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông. Ông mới nhậm chức Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương hôm 27-5. Cuộc họp báo ngày 25-8 có sự tham gia của nhiều tờ báo và hãng tin trong khu vực, trong đó có Người Lao Động.
Đô đốc Scott Swift. Ảnh: EPA
Báo Người Lao Động: Trung Quốc đã bồi lấn trái phép thêm đất ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng cũng như quốc tế. Vậy Mỹ có kế hoạch hành động gì thêm để đối phó với sự gây hấn này của Bắc Kinh?
Đô đốc Scott Swift: Rõ ràng là đối thoại rất quan trọng để giải quyết sự khác biệt giữa các nước. Bộ quốc phòng, bộ ngoại giao và giới chức Mỹ đã có các tuyên bố thể hiện sự quan ngại về sự vấn đề Trung Quốc bồi lấn đất (ở biển Đông). Mối lo ngại này là của toàn thể cộng đồng quốc tế, chứ không phải chỉ của riêng Mỹ, đặc biệt với quy mô và phạm vi lấn đất của Trung Quốc.
Đối với câu hỏi Mỹ sẽ có động thái gì hơn nữa để đối phó vấn đề này, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường hợp tác, trao đổi hơn nữa. Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng là các bên phải hành động cùng nhau, phải tỏ rõ sự quan ngại và hòa giải các khác biệt tồn tại trong khu vực theo con đường hòa bình, tránh sử dụng vũ lực để các bên đều có lợi.
South China Morning Post: Trong trường hợp nào thì quân đội Mỹ sẽ xem xét tham gia tuần tra chung cùng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở biển Đông?
- Câu hỏi này không chỉ liên quan tới chính sách của Mỹ mà còn cả của Nhật Bản. Hiện nội bộ Nhật Bản đang còn phải bàn thảo về Hiến pháp. Do đó, câu chuyện tuần tra chung chỉ có thể đề cập đến ít nhất là tới khi Tokyo hoàn thành các đối thoại về hiến pháp này. Hiện chúng tôi có tham gia các cuộc tập trận chung với các nước trên khắp Thái Bình Dương, trong đó Nhật Bản. Về câu hỏi tuần tra chung, sẽ có các nhà hoạch định chính sách quyết định.
Zing News: Có thông tin về sự khác biệt giữa lãnh đạo Hải quân Mỹ và Nhà Trắng về cách đối phó với hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Ông nói gì về việc hải quân Mỹ chưa đi vào khu vực 12 hải lý (quanh các điểm bồi lần trái phép) như tuyên bố của nhiều quan chức quân sự Mỹ?
- Tôi có đọc thông tin này và tự hỏi đâu là sự thiếu kết nối giữa Nhà Trắng với lực lượng lãnh đạo của Hải quân Mỹ (trong vấn đề này). Bản thân tôi không tin rằng trong các lãnh đạo hải quân Mỹ tồn tại bất đồng này đối với bất cứ vấn đề nào trên thế giới.
Tại Đối thoại Shangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tuyên bố rằng Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép. Hiện vẫn tồn tại tranh cãi về khái niệm đảo và đá (ở biển Đông) theo Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS). Đây là vấn đề pháp lý vẫn đang được thảo luận. Và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hành động tuân thủ luật pháp quốc tế.
Bình luận (0)