Nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực Trung Quốc, Ethan Gutmann, làm việc cho Tổ chức Quốc phòng Dân chủ (FDD) đã có một cuộc điều tra vấn nạn tử tù bị lấy nội tạng ngoài ý muốn. Trong tài liệu nghiên cứu của ông Gutmann có cả lời khai của một bác sĩ tên Enver Tohti.
Ông Tohti là bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện ở khu tự trị Tân Cương – Trung Quốc. Năm 1994, ông được lãnh đạo bệnh viện yêu cầu thiết lập một phòng mổ di động và được chỉ định phẫu thuật lấy nội tạng từ một người đàn ông còn sống nhưng không được làm bệnh nhân tử vong. Sau khi chuyển tới Anh, bác sĩ Tohti khẳng định hoạt động lấy nội tạng tù nhân còn sống diễn ra sớm ở Tân Cương.
Năm 1984, chính phủ Trung Quốc thông qua quy định cho phép lấy nội tạng của tử tù. Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc năm 2012 tuyên bố 90% cơ quan nội tạng là do tử tội cung cấp. Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền Dui Hua (Mỹ) cho biết năm 2013 chỉ có 2.400 tù nhân bị hành quyết ở Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh thừa nhận có tới 10.000 ca ghép tạng được thực hiện mỗi năm.
Khi luật sư nhân quyền người Canada David Matas bắt đầu điều tra vụ cấy ghép nội tạng vào năm 2006 ở Trung Quốc, ông phát hiện số ca ghép tạng tăng mạnh trong khoảng thời gian từ 2000-2005. Tổng cộng 41.500 ca ghép tạng được thực hiện ở Trung Quốc trong khoảng thời gian này.
Thị trường nội tạng ở Trung Quốc cực kỳ sôi động và được gọi là “thị trường tỉ đô”. Một quả thận có giá 62.000 USD, gan hoặc tim là 130.000 USD, giác mạc 30.000 USD…
Bình luận (0)