Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ động vật lại cho rằng sự kiện này là việc làm vô nhân đạo. Các nhà hoạt động cho biết, hằng năm có tới 10.000 con chó – vốn là loài vật thân thiết nhất với con người, được đưa tới Ngọc Lâm để phục vụ cho lễ hội. Chúng bị nhốt trong những điều kiện phi nhân đạo và sau đó bị đốt lông, thiêu sống và giết thịt.
"Chúng tôi đã chứng kiến cảnh những con chó bị đánh đập trước khi bị mang đi giết thịt. Càng theo dõi chúng tôi càng phát hiện nhiều hành động tàn bạo hơn”, Du Yufeng, người sáng lập tổ chức bảo vệ động Boai cho biết.
Trong nhiều năm qua, những nhà hoạt động như bà Du đã nỗ lực tìm cách để ngăn chặn lễ hội nói trên. Ngoài ra, cư dân mạng Trung Quóc cũng có nhiều hoạt động phản đối sự kiện này nhưng chưa có nhiều tác dụng. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy những chú chó tội nghiệp sẽ không bị xả thịt trong lễ hội năm nay, dù cho ngày tổ chức đã cận kề.
Tuy nhiên, theo lời bà Du, do áp lực từ cư dân mạng và các nhà hoạt động, chính quyền địa phương tuyên bố sẽ cử một đội giám sát lễ hội năm nay. Biện pháp này có lẽ vẫn chưa đủ mạnh nhưng bà Du cho rằng đây đã là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi.
“Tôi nghĩ đội giám sát có thể sẽ giúp giảm các hành động tàn bạo với động vật, nhưng dù thế nào đó cũng chỉ là bề nổi”, bà Du nói.
Trong khi đó theo tờ South China Morning Post, người dân ở Thành phố Ngọc Lâm tỏ ra không hài lòng với việc lễ hội thịt chó của họ bị gây nhiều áp lực như vậy.
“Thật không công bằng khi mọi người cứ phê phán người dân ở Ngọc Lâm là tàn bạo bởi vì chúng tôi có truyền thống ăn thịt chó”, một người dân chia sẻ trên tờ Chinese Daily.
Đây không phải lần đầu tiên lễ hội thịt chó bị phản đối. Hồi năm 2011, hai sự kiện tương tự - một ở Hàn Quốc và một ở Trung Quốc, đã phải hoãn lại vì sự phản đối của những người yêu động vật.
Bình luận (0)