Đài CNN ngày 14-6 đưa tin Công ty Framatome (Pháp) cảnh báo về "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra" ở nhà máy hạt nhân Đài Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông.
Framatome đã gửi thư cảnh báo cho chính phủ Mỹ. Trong thư, Framatome đề nghị sự hỗ trợ của Bộ Năng lượng Mỹ, theo đài CNN. Framatome chính là công ty giúp xây dựng và hỗ trợ kỹ thuật cho nhà máy hạt nhân Đài Sơn, nằm cách Hồng Kông khoảng 130 km về phía Tây.
Đài CNN cho biết thêm Washington phải "tổ chức một số cuộc họp cấp cao cũng như thảo luận với Paris sau khi nhận được thư". Đồng thời, nhà chức trách Mỹ và Trung Quốc cũng "liên lạc để thảo luận vấn đề". Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ không tin tình huống trên gây ra mối đe dọa an toàn nghiêm trọng đối với người dân hoặc công nhân tại nhà máy.
Công ty Framatome (Pháp) cảnh báo về "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra" ở nhà máy hạt nhân Đài Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Power-Technology
Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) sau đó thông báo trên trang web của Đài Sơn: "Đơn vị số 1 của Đài Sơn đang hoạt động bình thường và Đơn vị số 2 đã được kết nối lại với lưới điện hồi tuần trước sau quá trình đại tu". Các đơn vị này có tổng công suất 3,3 gigawatt và đi vào hoạt động lần lượt từ năm 2018 và năm 2019.
CGN sở hữu 51% cổ phần trong liên doanh Đài Sơn. Công ty mẹ của Framatome, Electricite de France SA (EDF), nắm 30% cổ phần, còn lại thuộc về Công ty tiện ích Yuedian (Trung Quốc) ở tỉnh Quảng Đông.
Framatome tuyên bố họ "đang hỗ trợ giải quyết vấn đề hiệu suất liên quan tới nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn", đồng thời trích dữ liệu có sẵn cho thấy "nhà máy vẫn hoạt động với các thông số an toàn".
EDF ngày 14-6 xác nhận đã có "sự gia tăng nồng độ khí hiếm" trong hệ thống làm mát của nhà máy Đài Sơn.
"Sự xuất hiện của một số khí hiếm (các nguyên tố trơ về mặt hóa học như argon, heli hoặc neon) là hiện tượng đã được ghi nhận trong quy trình vận hành lò phản ứng" - EDF cho hay.
Thông tin trên được công bố giữa thời điểm tỉnh Quảng Đông, trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, bị thiếu điện khiến hơn 20 thành phố phải phân chia điện cho một số công ty và nhà máy.
Trung Quốc là thị trường điện hạt nhân lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Pháp, với nhiều lò phản ứng mới đang được xây dựng. Nước này chưa ghi nhận vụ tai nạn hạt nhân nào nghiêm trọng.
Bình luận (0)