Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab hôm 20-7 cho hay khoảng 3 triệu người Hồng Kông, những người đủ điều kiện xin cấp hộ chiếu Anh ở nước ngoài (BNO), sẽ được phép chuyển đến Anh để tái định cư từ năm sau.
Ông Raab cho biết Anh cũng đang cân nhắc việc sắp xếp cử các thẩm phán Tòa án tối cao Anh vào tòa án hàng đầu Hồng Kông, cũng như các chương trình đào tạo cho các cảnh sát Hồng Kông. Nhà ngoại giao Anh cho rằng: "Chúng tôi nhận ra những cơ hội trong mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc nhưng chúng tôi rất rõ ràng về những rủi ro".
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab. Ảnh: Reuters
Trong động thái sẽ làm trầm trọng hơn sự bế tắc trong quan hệ Anh-Trung, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Raab tuyên bố sẽ dẫn đầu phản ứng quốc tế đối với hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Raab đã dừng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc hoặc Hồng Kông liên quan đến việc đưa ra luật an ninh quốc gia và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong tương lai.
Về việc bán vũ khí, ông Raab cho hay việc mở rộng cấm vận vũ khí đồng nghĩa với việc Anh sẽ không xuất khẩu vũ khí có khả năng gây chết người, các thành phần hoặc đạn dược của chúng từ Anh sang Hồng Kông. Còn về hiệp ước dẫn độ, quan chức này nhấn mạnh chính phủ Anh đã quyết định đình chỉ hiệp ước dẫn độ ngay lập tức và vô thời hạn.
Bộ trưởng Raab cho rằng: "Anh sẽ không xem xét kích hoạt lại các thỏa thuận đó, trừ khi và cho đến khi các biện pháp bảo vệ rõ ràng và mạnh mẽ có thể ngăn chặn thỏa thuận dẫn độ từ Anh bị lạm dụng theo luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc".
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho rằng những tuyên bố gần đây của Anh về Hồng Kông đã vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quan hệ quốc tế.
Cùng ngày 20-7, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt vào danh sách trừng phạt thêm 11 công ty Trung Quốc bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương.
Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc các công ty này tham gia vào việc sử dụng lao động cưỡng ép liên quan tới người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo thiểu số khác.
Các công nhân tại trung tâm đào tạo kỹ năng nghề ở Tân Cương. Ảnh: Reuters
Đây là nhóm thứ 3 gồm các công ty, cá nhân tại Trung Quốc bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ. Trong 2 đợt trừng phạt trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã liệt vào danh sách trừng phạt 37 công ty và tổ chức bị cho là có liên quan đến cuộc đàn áp ở Tân Cương.
Bình luận (0)