Không chỉ các nước phương Tây, ngay cả đồng minh của Trung Quốc cũng không khỏi sốt ruột đối với thái độ “bình chân như vại” của nước này trước mối đe dọa ngày càng đáng lo ngại của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Vai trò con thoi
Ông Mohsen Rezaei, Thư ký Hội đồng Điều phối của Iran - cơ quan tư vấn cho Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei, hôm 24-12 kêu gọi Bắc Kinh cần đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS. Lời hối thúc được đưa ra sau khi ông Rezaei tiếp đón phái đoàn Trung Quốc thăm Tehran.
Nền kinh tế số hai thế giới phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông nhưng dường như đang cố tình làm ngơ trước những vấn đề mà “chảo lửa” này phải đương đầu, trong khi các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) gồm Mỹ, Anh, Pháp và Nga đều đã “xung trận”.
Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi phối hợp nhiều hơn giữa các nước sau hàng loạt vụ khủng bố ở Mali, Pháp và đặc biệt là sau vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở biên giới Syria. Mạnh miệng như vậy nhưng Bắc Kinh cũng khẳng định không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Báo chí trong nước thì thường xuyên chỉ trích cả Nga và phương Tây về chiến dịch không kích IS ở Syria và Iraq.
Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh được cho là không thể tiếp tục sắm vai “kẻ ngoài cuộc” sau khi công dân đầu tiên của họ bị IS giết hại tháng trước. Hồi đầu tháng này, IS còn tung một bài hát tiếng Trung trên internet với mục đích chiêu mộ các tay súng từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong động thái được đánh giá là “bước ngoặt quan trọng” của Trung Quốc trong vấn đề Syria, Bắc Kinh hôm 21-12 cho biết sẽ lần lượt mời đại diện Damascus và phe đối lập tới thăm nước này trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria. Vài ngày sau, Trung Quốc và Syria cam kết theo đuổi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng nhân chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Syria Walid Muallem đến Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc còn công bố khoản viện trợ nhân đạo 6 triệu USD cho Syria.
Dự đoán về bước đi tiếp theo của Trung Quốc, nhà bình luận độc lập của Trung Quốc, ông Khâu Lâm, cho rằng Bắc Kinh sẽ lặp lại nước cờ họ đã thực hiện đối với “cơ chế đàm phán vấn đề hạt nhân Iran 5+1”, tức đóng vai trò con thoi giữa các nước lớn và Syria. Theo ông Khâu, Bắc Kinh làm điều này vì không muốn bỏ lỡ “miếng bánh Syria” thời hậu chiến.
IS “tuyệt vọng” ở Ramadi
Trong lúc này, trận chiến nhằm giành lại thành phố chiến lược Ramadi từ tay IS ở Iraq vẫn đang diễn ra ác liệt. Ngoài tấn công quân sự, quân đội Iraq còn tìm cách cắt đứt các đường tiếp tế và viện binh cho IS tại địa phương này.
Đáng chú ý là hôm 24-12, IS bất ngờ lên tiếng về chiến dịch nói trên của quân đội Iraq vốn bắt đầu từ 2 ngày trước và nhận được sự yểm trợ từ các cuộc không kích của Mỹ. Theo Công ty Nghiên cứu SITE Intelligence Group (Mỹ), IS đăng tải một loạt thông điệp trên mạng xã hội khẳng định đã tiêu diệt hàng chục binh sĩ Iraq ở nội thành và ngoại ô Ramadi. Quân đội Iraq lập tức phủ nhận và cho biết chỉ mới có 1 binh sĩ thiệt mạng, 22 người bị thương.
Trên thực tế, lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu tuyên bố các tay súng IS đang nỗ lực chống chọi trong tuyệt vọng, thậm chí sử dụng người dân làm lá chắn sống. “Giao tranh ác liệt xảy ra trong 24 giờ qua ở phía Nam thành phố. IS đã lập một hệ thống phòng vệ bằng cách sử dụng các thiết bị nổ tự chế, đặt mìn trên đường phố và trong các tòa nhà” - đại tá Steve Warren, người phát ngôn liên quân, nói.
Cũng theo ông Warren, các thông tin tình báo cho biết vẫn còn ít nhất 100 tay súng IS ẩn náu trong các tòa nhà chính quyền ở Ramadi. Trong khi đó, ông Ibrahim al-Osej, một thành viên Hội đồng TP Ramadi, cho biết số lượng tay súng IS ở địa phương này còn chưa đến 400.
Nằm cách Baghdad gần 100 km về phía Tây, Ramadi rơi vào tay IS hồi tháng 5 trong một thất bại khiến chính phủ Iraq mất mặt. Giờ đây, nếu để mất Ramadi, đến lượt IS hứng chịu kết quả tồi tệ. Là thủ phủ tỉnh Anbar, Ramadi là một trong những thành trì của IS có biên giới tiếp giáp Syria, Jordan và Ả Rập Saudi và là địa phương có đông người Hồi giáo Sunni.
Việc Baghdad không cho lực lượng dân quân Shiite tham gia chiến dịch nói trên được đánh giá cao bởi nó giúp xua tan nỗi lo người Sunni là mục tiêu bị trả đũa - như từng xảy ra khi lực lượng Iraq tái chiếm TP Tikrit vào cuối tháng 3 qua.
Tạp chí The Christian Science Monitor nhận định trận chiến ở Ramadi, nếu kết thúc với chiến thắng dành cho quân đội Iraq, có thể trở thành hình mẫu cho những chiến dịch tương tự nhằm đẩy lùi và xóa sổ IS. Ngoài ra, thắng lợi này còn là bằng chứng cho thấy chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu phát huy tác dụng.
Sự tự tin của Baghdad thể hiện ở tuyên bố mà Thủ tướng Haider al-Abadi đưa ra ngày 25-12: Lực lượng vũ trang Iraq chuẩn bị tái chiếm Mosul, lâu nay vẫn là thành trì của IS.
Bình luận (0)