Các nước có liên quan trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông đang có những động thái đối phó mạnh mẽ trước những hành động hung hăng và sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông.
Tăng cường quan hệ quân sự
Nhà phân tích Joshua Kurlantzick của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng Việt Nam đang tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Úc và Nga nhằm phát đi thông điệp rằng nước này không đơn độc.
Trong khi đó, Philippines trong những tuần gần đây đã ký các thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh Úc và Nhật Bản giữa lúc Trung Quốc đang ngày càng hung hăng khẳng định chủ quyền ở biển Đông.
Hai tàu của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản neo đậu tại cảng ở Manila vào cuối tháng 5. Ảnh: REUTERS
Theo báo mạng Asia Times hôm 1-8, Thượng viện Philippines gần đây đã phê chuẩn Hiệp định về quy chế của các lực lượng viếng thăm (SOFA) với Úc. Thượng nghị sĩ Edgardo Angara khi đó tuyên bố rằng đã đến lúc Manila cần bắt tay với “các đồng minh và bạn bè” để tăng cường khả năng phòng thủ.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Loren Legarda gắn kết hiệp định với cuộc đối đầu của nước này với Trung Quốc ở biển Đông khi cho biết thỏa thuận trên được ký kết trong bối cảnh “chúng ta đối mặt với những mối đe dọa lớn chưa từng có”.
Trước đó, vào đầu tháng 7, Philippines và Nhật Bản đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng. Theo thỏa thuận, hai nước sẽ tăng cường hoạt động trao đổi quân sự và chia sẻ thông tin hàng hải, khu vực. Ngoài ra, Nhật Bản còn đồng ý bán cho Philippines 12 tàu tuần tra hiện đại.
Trong chuyến thăm Tokyo vào tháng 9-2011, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Yohishiko Noda về sự cần thiết tăng cường quan hệ giữa lực lượng phòng vệ bờ biển hải quân hai nước.
Dựa vào luật pháp quốc tế
Ngoài việc tăng cường sức mạnh quân sự, ông Gregory Poling, nhà nghiên cứu tại Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), cho rằng các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cần phải đưa ra toàn bộ tài liệu về đường cơ sở, các tuyên bố về thềm lục địa mở rộng và tuyên bố chủ quyền với các đảo.
Ông nhận định: “Việt Nam và Malaysia đã tiến một bước trong hướng đi này với việc đệ trình một phần tài liệu về thềm lục địa của họ lên Liên Hiệp Quốc năm 2009. Philippines giờ đây cũng cần phải đưa ra đầy đủ văn kiện pháp lý về tuyên bố chủ quyền của mình. Điều đó buộc Trung Quốc phải làm rõ những tuyên bố chủ quyền của mình, nếu không sẽ không còn ai tin lời của Bắc Kinh rằng nước này đang hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”.
Trong lúc này, Trung Quốc tiếp tục có những động thái cho thấy bản chất 2 mặt đối với vấn đề biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh hôm 31-7 cho biết Bắc Kinh “phản đối sự can thiệp quân sự vào biển Đông”, đồng thời “sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực”.
Dù vậy, ông Cảnh lại lộ rõ ý đồ của Trung Quốc độc chiếm biển Đông khi ngang ngược tuyên bố “một hệ thống tuần tra sẵn sàng chiến đấu thường lệ đã được thiết lập để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải” của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc sẵn sàng ra biển Đông
Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đang sẵn sàng ra biển Đông sau khi lệnh cấm đánh cá đơn phương của nước này hết hiệu lực hôm 1-8. Lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc đơn phương áp đặt tại biển Đông có hiệu lực từ ngày 16-5 đến ngày 1-8 nhưng đã bị các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam bác bỏ.
Tân Hoa Xã đưa tin trong những ngày qua, các tàu cá Trung Quốc đã tụ tập tại cảng Tam Á ở tỉnh Hải Nam để chuẩn bị ra khơi. Hiện chưa rõ những khu vực mà ngư dân Trung Quốc sẽ đánh bắt tại biển Đông. Dù vậy, thông tin trên đã gây ra nhiều lo ngại trong bối cảnh tàu cá Trung Quốc thời gian qua có những hành động xâm phạm lãnh hải các nước. |
Bình luận (0)