Chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao Bruce Bennett, thuộc viện Rand Corporation (Mỹ), hôm 2-5 cảnh báo trên đài CNN rằng một vũ khí hạt nhân thử nghiệm đủ lớn có thể làm phun trào ngọn núi lửa được Trung Quốc gọi là Trường Bạch nói trên. “Đợt phun trào có thể rất lớn, giết hại hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn nạn nhân, cả ở Triều Tiên và Trung Quốc. Chúng ta không biết Triều Tiên có tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lớn hơn (những lần trước) hay không nhưng có khả năng đó” - ông Bennett nhận định.
Hiện có khoảng 1,6 triệu người sống trong vòng 100 km quanh núi lửa Paektu, nơi chỉ cách cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên khoảng 115-130 km theo đường chim bay. Một vụ phun trào lớn từng xảy ra ở núi lửa này vào năm 946 - được đánh giá là một trong những vụ phun trào lớn nhất lịch sử, làm xuất hiện lòng chảo đường kính 5 km trên đỉnh núi.
Lo ngại càng tăng bởi những động thái cứng rắn của cả Triều Tiên và Mỹ. Ngày 2-5, quân đội Mỹ khẳng định Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã chính thức hoạt động ở Hàn Quốc, có khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên. Cùng ngày, Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đẩy bán đảo Triều Tiên tới bờ vực chiến tranh hạt nhân sau khi 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ đến khu vực tập trận với không quân Hàn Quốc và Nhật Bản một ngày trước đó.
Gọi động thái này là “khiêu khích quân sự liều lĩnh” của Washington, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA còn tố cáo máy bay ném bom Mỹ tập trận kịch bản thả bom hạt nhân vào những mục tiêu lớn trong lãnh thổ Triều Tiên.
Đài NBC News dẫn lời giới chức Mỹ nhận định Triều Tiên hối hả thử tên lửa thời gian qua là nhằm gửi thông điệp tới chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng nước này nghiêm túc với chương trình hạt nhân, tên lửa của họ. Theo 2 quan chức Mỹ, dường như ông Kim Jong-un không quan tâm lắm tới việc thử nghiệm thành công hay thất bại. “Họ muốn chứng tỏ mình có khả năng và tin rằng học được những bài học mới từ mỗi lần phóng tên lửa, dù thành công hay thất bại” - một quan chức Mỹ nói.
Về phần mình, Trung Quốc hồi tuần rồi có động thái bất thường ở khu vực biên giới với Triều Tiên. Tờ Oriental Daily (Hồng Kông) ngày 27-4 cho biết chính quyền tại thị trấn Đan Đông của Trung Quốc đang gấp rút tuyển nhiều phiên dịch biết tiếng Triều Tiên để làm việc tại 10 cơ quan gồm biên phòng, công an, thương mại, hải quan và kiểm dịch. Thông báo không nói rõ lý do tuyển dụng nhưng các chuyên gia và một số cư dân địa phương nói Bắc Kinh đang chuẩn bị cho kịch bản xung đột quân sự giữa Bình Nhưỡng và Washington, dẫn đến làn sóng người Triều Tiên chạy sang các thị trấn biên giới của Trung Quốc.
Trong lúc này, Triều Tiên gặp thêm khó khăn khi bị Ấn Độ - đối tác thương mại lớn thứ ba của họ - ngừng hầu hết giao dịch thương mại, chỉ trừ thực phẩm và thuốc men, từ tháng 4 vừa qua. Theo đài CNN, Ấn Độ xuất khẩu số hàng hóa trị giá 111 triệu USD sang Triều Tiên trong các năm 2015-2016 và nhập số hàng hóa khoảng 88 triệu USD cùng thời kỳ. Ấn Độ cũng đóng băng mọi tài sản của Bình Nhưỡng trên lãnh thổ của mình và ngừng huấn luyện binh lính Triều Tiên.
Bình luận (0)