Trung Quốc ngày 11-7 đã điều binh sĩ đến căn cứ của nước này ở Djibouti, thuộc khu vực Sừng châu Phi.
Chỉ là căn cứ hậu cần ?
Theo Reuters, vị trí chiến lược của Djibouti ở rìa Tây Bắc Ấn Độ Dương đang khiến Ấn Độ không khỏi lo ngại căn cứ nói trên có thể là một phần "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc - tập hợp các liên minh và tài sản quân sự bao quanh New Delhi, trong đó có Myanmar, Bangladesh và Sri Lanka.
Bắt đầu xây dựng căn cứ này từ năm ngoái và dù cho Mỹ cùng nhiều nước khác coi đây là căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc, Bắc Kinh khẳng định đây chỉ là căn cứ hậu cần nhằm phục vụ các tàu quân sự tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình và viện trợ nhân đạo ở ngoài khơi Yemen và Somalia.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin các tàu chở quân nhân nước này rời TP Trạm Giang để đến thiết lập căn cứ hỗ trợ ở Djibouti.
Theo đó, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long đọc một tờ lệnh về việc xây dựng căn cứ nói trên và trao cờ quân đội cho hạm đội, song không công khai thông tin về quân số hoặc đơn vị tới Djibouti, đồng thời cũng không đả động thời điểm chính thức hoạt động của căn cứ.
Những hình ảnh đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho thấy các sĩ quan hải quân và thủy quân lục chiến xuất phát trên 2 tàu hỗ trợ Jingangshan và Donghaidao. Trang Sputnik của Nga tiết lộ khoảng 10.000 nhân lực sẽ được triển khai tới căn cứ.
Các binh sĩ Trung Quốc trên con tàu rời cảng quân sự ở TP Trạm Giang tới căn cứ ở Djibouti Ảnh: REUTERS
Tân Hoa xã nhấn mạnh ngoài bảo đảm sự hiện diện của Trung Quốc trong các sứ mệnh bảo vệ, gìn giữ hòa bình và viện trợ nhân đạo ở châu Âu và Tây Á, căn cứ cũng sẽ giúp ích cho các nhiệm vụ ở nước ngoài, bao gồm hợp tác quân sự, tập trận chung, sơ tán, bảo vệ người Trung Quốc ở nước ngoài, cứu trợ khẩn cấp, đồng thời duy trì an ninh các tuyến đường biển quốc tế chiến lược.
Hãng thông tấn này tuyên bố Bắc Kinh không tìm cách bành trướng quân sự hay chạy đua vũ trang.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 12-7 còn có bài xã luận nhắc nhở đây không phải căn cứ quân sự và mục tiêu thiết yếu của phát triển sức mạnh quân sự của Bắc Kinh là để bảo vệ sự an toàn của nước này chứ không phải tìm cách kiểm soát thế giới.
Tăng cường sức mạnh chính trị
Trong khi đó, tờ Financial Times hôm 12-7 có bài viết phân tích ý đồ của Bắc Kinh đằng sau việc rầm rộ đưa lính gìn giữ hòa bình tới lục địa đen trong các sứ mệnh của Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc hiện có 750 lính gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan trong tổng quân số hơn 2.000 người ở châu Phi. Con số này nhiều hơn bất cứ thành viên thường trực nào khác của Hội đồng Bảo an.
Financial Times cho rằng Bắc Kinh đang sẵn sàng mạo hiểm cả mạng sống của công dân mình ở những vùng đất xa xôi, qua đó cho thấy tham vọng kinh tế của họ được hậu thuẫn bằng cả sự can dự về chính trị.
Ông Peter Biar Ajak - nhà sáng lập một tổ chức nghiên cứu quốc tế ở Juba, thủ đô Nam Sudan - nhận định chính sách không can thiệp vào các vấn đề bên ngoài của Bắc Kinh kéo dài nhiều thập kỷ qua đang lung lay nghiêm trọng, nhất là khi câu chuyện liên quan tới tài nguyên thiên nhiên. Theo ông, cho tới nay, chính sách của Trung Quốc ở Nam Sudan là nhằm vào nguồn dầu mỏ dồi dào phía Nam nước này.
Sự can dự về chính trị lớn hơn ở nước ngoài của Trung Quốc đi đôi với tăng cường đầu tư, từ 2,7 tỉ USD năm 2002 lên 170 tỉ USD năm 2016, trong đó không ít tiền đổ vào những nước đang có nhiều rủi ro.
Theo báo cáo gần đây của Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, ước tính có hơn 10.000 công ty của nền kinh tế số 2 thế giới đang hoạt động tại châu Phi, trong khi Nhật Bản chỉ có 373 doanh nghiệp.
Úc thu hẹp dự án tranh cãi
Chính phủ Úc hôm 12-7 quyết định thu hẹp đáng kể quy mô một dự án khai thác than của Công ty Shenhua (Trung Quốc) sau khi vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường và nông dân.
Lý do là mỏ than khổng lồ này nằm gần đất nông nghiệp ở thị trấn Gunnedah, bang New South Wales, dẫn đến nỗi lo môi trường, nguồn tài nguyên nước và khí hậu bị đe dọa nếu dự án được triển khai.
Theo thỏa thuận mới, chính quyền bang New South Wales của đảng Tự do sẽ chi 262 triệu AUD để lấy lại 51,4% giấy phép thăm dò than tại vùng đồng bằng Liverpool, được chính quyền tiền nhiệm của Công đảng cấp.
Với động thái này, hoạt động khai thác sẽ không được phép diễn ra trên những vùng đất màu mỡ tại đồng bằng Liverpool mà hạn chế trong khu vực đất đồi núi. Không những thế, dự án kéo dài 30 năm nói trên của Shenhua sẽ phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về môi trường.
Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, nhiều nông dân địa phương vẫn chưa hài lòng. Họ cho rằng chính quyền bang nên hủy giấy phép và chấm dứt khai thác mỏ than này.
Chính quyền bang New South Wales vào năm ngoái cũng mua lại giấy phép khai thác tại vùng đồng bằng Liverpool được cấp cho công ty khai thác mỏ BHP năm 2006, chấm dứt tranh cãi kéo dài một thập kỷ với người dân tại đây.
Phương Võ
Bình luận (0)