Giới chức Mỹ và Đài Loan hôm 17-2 xác nhận hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy sự hiện diện của 2 khẩu đội, gồm 8 bệ phóng tên lửa đất đối không HQ-9 và radar tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
Theo chuyên gia Euan Graham của Viện Lowy (Úc), đây được xem là bước đi có tính toán của Bắc Kinh nhằm phục vụ ý đồ quân sự hóa biển Đông, đồng thời cản trở Mỹ tiến hành các chuyến bay tuần tra gần Hoàng Sa. Trước đó, Bắc Kinh hồi tháng 11-2015 đã ngang ngược đưa máy bay chiến đấu J-11 đến đảo Phú Lâm.
Tên lửa HQ-9. Ảnh: armyrecognition.com
Chiến dịch tự do hàng hải gần đây nhất của Mỹ diễn ra gần đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa hồi cuối tháng 1-2016. Tuy nhiên, sự hiện diện của hệ thống tên lửa đất đối không Trung Quốc có thể khiến Mỹ cân nhắc kỹ hơn về việc cho máy bay tuần tra tại khu vực quanh quần đảo này.
Không những thế, động thái trên còn là cách Trung Quốc thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam hoặc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.
Vào đầu tuần này, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cảnh báo rằng việc Trung Quốc cho máy bay chiến đấu cất cánh từ các đảo nhân tạo nói trên đe dọa gây mất ổn định khu vực, và không thể ngăn máy bay Mỹ tiếp tục hoạt động trong không phận quốc tế ở biển Đông.
Xét về khía cạnh chính trị, thông tin Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa trùng thời điểm Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra ở bang California, qua đó cho thấy Bắc Kinh muốn cảnh báo các nhà lãnh đạo ASEAN không nên quá thân cận với Mỹ trong vấn đề biển Đông - theo chuyên gia Graham.
Bình luận (0)