Theo Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc, các dự án trên sẽ khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con "ở độ tuổi thích hợp", động viên các bậc cha mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái, đồng thời "cắt ngọn" các khoản thách cưới quá cao cùng nhiều hủ tục khác ở đất nước tỉ dân.
Thời báo Hoàn cầu ngày 15-5 đưa tin các thành phố được thí điểm bao gồm thủ đô Bắc Kinh, trung tâm sản xuất Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông và TP Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc.
Trẻ em Trung Quốc đi du lịch tại Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh cuối tháng 4-2023. Ảnh: REUTERS
Mong muốn nâng cao tỉ lệ kết hôn và sinh con cũng là lý do khiến nhiều tỉnh, thành Trung Quốc đề ra một loạt biện pháp riêng, từ ưu đãi thuế, hỗ trợ nhà đến miễn phí hoặc phụ cấp giáo dục nếu sinh con thứ ba.
Tháng 2 năm nay, một số tỉnh tăng thời gian nghỉ phép cho các cặp đôi mới kết hôn, theo Nhân dân Nhật báo. Thay vì 3 ngày như quy định tối thiểu, TP Thượng Hải cho nghỉ 10 ngày, còn các tỉnh như Cam Túc, Sơn Tây… cho nghỉ tới 30 ngày. Trong khi đó, TP Quý Khê của tỉnh Giang Tây xây dựng hẳn ứng dụng hẹn hò cho người dân.
Ảnh hưởng từ chính sách một con (kéo dài từ năm 1980-2015) được xem là gốc rễ của các thách thức nhân khẩu học tại Trung Quốc hiện nay.
Vừa qua, Ấn Độ đã qua mặt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Năm ngoái, lần đầu tiên dân số Trung Quốc sụt giảm trong 6 thập kỷ qua, đồng thời ghi nhận tỉ lệ sinh thấp chưa từng thấy, chỉ 6,77 đứa trẻ ra đời trong 1.000 dân.
Cộng với việc già hóa dân số, nhiều cố vấn của chính phủ Trung Quốc hồi tháng 3 đã đề xuất nhiều biện pháp, bao gồm phụ nữ độc thân, chưa kết hôn trữ đông trứng và thực hiện thụ tinh ống nghiệm để tăng tỉ lệ sinh. Theo Reuters, nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn có thêm con vì chi phí nuôi con tốn kém và sự nghiệp bị cản trở.
Bình luận (0)