Trung Quốc đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu để ngăn chặn LHQ tổ chức cuộc họp thứ hai về tình trạng nhân quyền ở Triều Tiên nhưng chỉ được 4 phiếu thuận theo, trong khi số phiếu cần thiết là 9 và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Pháp không được sử dụng quyền phủ quyết.
9 nước ủng hộ LHQ mở cuộc họp gồm Mỹ, Pháp, Jordan, Lithuania, Malaysia, New Zealand, Chile, Tây Ban Nha và Anh, còn Nigeria và Chad bỏ phiếu trắng trong khi không có sự tham dự của các nhà ngoại giao Bình Nhưỡng.
Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wang Min lập luận Hội đồng Bảo an “không phải là nơi để giải quyết vấn đề quyền con người”. Người này nhấn mạnh “tình hình nhân quyền ở Triều Tiên không phải là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.
Tuy nhiên, ông Jeffrey Feltman, người phụ trách các vấn đề chính trị của LHQ, lại cho rằng cộng đồng quốc tế có trách nhiệm bảo vệ người dân Triều Tiên và xem xét những tác động của các báo cáo về tình hình nhân quyền đối với sự ổn định của khu vực.
Nhà Trắng bác bỏ tuyên bố sở hữu bom nhiệt hạch của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hôm 10-12 nói các bằng chứng mà Washington có được "cho thấy sự hoài nghi về tuyên bố của Bình Nhưỡng".
Cách đây hơn 1 năm, LHQ tổ chức cuộc họp đầu tiên để bàn về vấn đề nói trên. Lúc đó, Nga và Trung Quốc – một đồng minh thân cận của Triều Tiên – cũng phản đối. Trước thời gian này, các cuộc thảo luận của LHQ chỉ bó hẹp ở chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Đại hội đồng LHQ đã kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét đưa Triều Tiên ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) sau khi một ủy ban điều tra của LHQ phát hiện những vi phạm nghiêm trọng đối với quyền con người tại Triều Tiên, có thể so sánh với những tội ác dưới thời Đức Quốc xã.
Trong khi đó, ngày 11-12, quan chức cấp cao 2 nước Hàn Quốc và Triều Tiên đã gặp gỡ để thảo luận về việc cải thiện các mối quan hệ và nối lại các dự án hợp tác cũng như tour du lịch qua biên giới bị đình trệ gần 6 năm qua.
Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Hwang Boo-gi đã cùng Phó Giám đốc Ủy ban Thống nhất Hòa bình Hàn Quốc Jon Jong-su bên phía Triều Tiên hội đàm ở khu công nghiệp Kaesong, cách biên giới 2 nước vài km.
Bình Nhưỡng hy vọng nối lại các tour du lịch qua biên giới từ Hàn Quốc đến khu nghỉ mát núi Kumgang – Triều Tiên sau khi bị ngưng hoạt động từ năm 2008. Còn Seoul đang tìm kiếm sự đồng ý của láng giềng miền Bắc để cho các gia đình ly tán do chiến tranh được đoàn tụ. Khoảng 60.000 người Hàn Quốc - chủ yếu là người già – đang từng ngày mong ngóng người thân ở Triều Tiên.
Bình luận (0)