Theo Newsweek hôm 23-3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự kiến tới Iran hôm 26-3 để gặp người đồng cấp Mohammad Javad Zarif và Tổng thống Hassan Rouhani. Giữa tuần trước, ông Vương cùng Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp nảy lửa với các quan chức Mỹ ở bang Alaska.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh hôm 23-3 cho biết Bắc Kinh và Tehran sẽ xem xét lại các kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước và trao đổi quan điểm về sự phát triển quốc tế và khu vực.
Trung Quốc và Iran đều tham gia thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015, được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng JCPOA đang ở "thời khắc quan trọng" nhưng đổ lỗi cho Washington vì đã không có động thái nào để dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thoả thuận trên khiến Iran phớt lờ một số giới hạn của JCPOA về làm giàu uranium.
Bà Hoa nhấn mạnh Mỹ phải quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt càng sớm càng tốt. Trong khi đó, Iran sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận và các bên cùng thúc đẩy nó trở về quỹ đạo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: The New York Times
Hôm 23-3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng gặp Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali để trao đổi kỹ lưỡng quan điểm xung quanh thỏa thuận JCPOA. Moscow - thành viên của JCPOA - thúc giục Washington đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran để thỏa thuận quay lại đúng hướng.
Ngoài ra, Trung Quốc, Nga và Iran đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung trên biển khi căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang.
Trong khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền và cưỡng ép thông qua áp lực kinh tế, quân sự và chính trị, Bắc Kinh cảnh báo họ sẽ không bị các cường quốc phương Tây "bắt nạt" như những năm qua.
Trung Quốc không đơn độc trong nỗ lực này. Nga và Iran đang tìm cách chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm chia rẽ mối quan hệ của họ ở các khu vực như Syria cũng như các lĩnh vực khác mà lợi ích của họ đang bị thách thức.
Nga đặc biệt tức giận kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "kẻ sát nhân" và cảnh báo ông chủ Điện Kremlin sẽ "phải trả giá" vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.
Về Triều Tiên, Newsweek cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un mô tả Mỹ là "kẻ thù chính" của nước ông. Nhà lãnh đạo này tuyên bố sẽ dùng chiến lược chặt chẽ đối với Mỹ và mở rộng quan hệ với các nước đồng quan điểm.
Hôm 22-3, ông Kim bày tỏ mong muốn Triều Tiên và Trung Quốc tạo liên minh để nỗ lực chống lại các cường quốc đối địch.
Trong Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của Nhà Trắng được công bố vào đầu tháng này, cả Triều Tiên lẫn Iran được cho là "tiếp tục theo đuổi hành động và công nghệ thay đổi cuộc chơi, đe dọa các đồng minh và đối tác của Mỹ, thách thức sự ổn định của khu vực".
Bản hướng dẫn cho rằng Trung Quốc và Nga "đã đầu tư rất nhiều vào nỗ lực kiểm tra sức mạnh của Mỹ, ngăn cản Washington bảo vệ lợi ích của mình và các đồng minh trên toàn thế giới".
Bình luận (0)