Đó là câu hỏi được báo giới tại Trung Quốc đồng loạt đặt ra với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 24-2, ngay sau khi ông Trump giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Nevada. Dù tránh bình luận những phát ngôn “rát mặt” của ứng viên đang được coi là sáng giá nhất của Đảng Cộng hòa (GOP), bà Hoa cảnh báo Washington không nên theo đuổi chính sách tiền tệ hà khắc có thể hủy hoại quan hệ Mỹ - Trung.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Mỹ là những nền kinh tế đang phát triển và phát triển lớn nhất thế giới, gánh vác trọng trách trong công cuộc bảo vệ hòa bình, ổn định và an ninh, đồng thời lèo lái sự phát triển của thế giới” - bà Hoa khẳng định. Theo bà Hoa, sự lớn mạnh và ổn định trong quan hệ Mỹ - Trung là mối quan tâm nền tảng và lâu dài của cả 2 nước, cũng như mang lại lợi ích cho thế giới. “Chúng tôi hy vọng và cũng tin tưởng chính phủ Mỹ sẽ theo đuổi chính sách tích cực đối với Trung Quốc với thái độ có trách nhiệm” - bà Hoa nói.
Ngoài nỗi lo trên, Trung Quốc còn đối mặt một loạt thách thức khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Thị trường chứng khoán nước này hôm 25-2 giảm hơn 6%, mức cao nhất trong tháng này, do có những dấu hiệu thanh khoản bị siết chặt. Đáng chú ý là chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải mất tới 6,4%. Nếu tính từ đầu năm thì chỉ số quan trọng này giảm đến 23%, qua đó trở thành chỉ số chứng khoán có “màn trình diễn” tệ thứ hai thế giới, chỉ sau chứng khoán Hy Lạp.
Chiến lược gia Trương Cương thuộc Công ty Chứng khoán Central China Securities nhận định: “Thị trường đang trong trạng thái mong manh khi ai cũng muốn tháo chạy. Không một thông tin đơn lẻ nào trên thị trường hiện nay đủ để dẫn tới một phiên sụt giảm như vậy”.
Cơn biến động không đúng lúc này dội gáo nước lạnh vào những nỗ lực vớt vát hình ảnh thị trường chứng khoán của Bắc Kinh trước thềm hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới (G-20), dự kiến diễn ra tại Thượng Hải trong ngày 26 và 27-2.
Theo The Wall Street Journal, nền kinh tế số 2 thế giới còn đối mặt nguy cơ khác, đó là sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp, khiến các khoản nợ ở nước này thêm chồng chất.
Giới phân tích cho rằng việc Bắc Kinh không ngừng khuyến khích hoạt động vay mượn để thúc đẩy tăng trưởng là hành động “đùa với lửa”, làm gia tăng nỗi lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng, cản trở nỗ lực chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s cho biết nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc hiện đạt mức mức 160% GDP, so với tỉ lệ 98% năm 2008. Con số này ở Mỹ lúc này là 70%.
Bình luận (0)