Trung Quốc vừa công bố bản sửa đổi "Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa" được ban hành năm 1974. Trong văn bản mới này, Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là "vùng hàng hải Hải Nam - Tây Sa". Tây Sa là tên gọi trái phép Trung Quốc dùng cho quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vùng hàng hải này được quy định là khu vực nằm giữa hai điểm trên đảo Hải Nam và ba điểm trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc còn thay đổi thuật ngữ, gọi khu vực này là "vùng biển ven bờ", thay cho cụm từ "vùng biển ngoài khơi" trước đây.
Bản quy tắc vừa nêu có hiệu lực từ ngày 1-8.
Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng lớn từ cộng đồng thế giới vì yêu sách chủ quyền phi pháp ở biển Đông. Ảnh: Reuters
Trương Kiệt, chuyên gia về biển Đông thuộc Viện khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng động thái thay đổi từ ngữ này có thể được Bắc Kinh đưa ra nhằm tăng cường quản lý quần đảo Hoàng Sa - trên thực tế là quản lý trái phép vì Hoàng Sa thuộc chủ quyền VIệt Nam.
Chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định: "Điều này có thể không gây ngạc nhiên, đặc biệt sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập các quận hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn" nhằm đòi yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích yêu sách này của Trung Quốc.
Đầu tháng 7, Mỹ và Úc gần đây tuyên bố yêu sách "đường chín đoạn" trên biển Đông của Trung Quốc là "bất hợp pháp" và "không phù hợp" với luật pháp quốc tế. Trong công hàm gửi Liên Hiệp Quốc ngày 29-7, Malaysia chỉ trích Trung Quốc vì Bắc Kinh nói Kuala Lumpur không có quyền thiết lập thềm lục địa mở rộng trên vùng biển phía Bắc nước này.
Các nhà quan sát nói với South China Morning Post rằng động thái mới nhất của Bắc Kinh cho thấy nước này cố đưa càng nhiều vùng biển đang tranh chấp về dưới sự kiểm soát của mình càng tốt. Ảnh: Reuters
Từ năm 2010, Trung Quốc đã lập 7 tòa án hàng hải, một trong số đó nằm ở cái mà nước này gọi là "TP Tam Sa" mà nước này xem đó là một thành phố thuộc tỉnh Hải Nam.
Trung Quốc đơn phương thành lập cái gọi là TP Tam Sa với trụ sở chính quyền đặt ở đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa) năm 2012 để quản lý trái phép quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), cả bãi Macclesfield lẫn bãi cạn Scarborough cùng một số vùng biển xung quanh.
Ngày 18-4-2020, Trung Quốc ngang ngược thông báo thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại "TP Tam Sa".
Năm 2013, Trung Quốc đưa một số cơ quan hàng hải vào chịu sự kiểm soát chung của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển nước này. Năm 2017, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán của nước này mở rộng ra toàn bộ các khu vực nằm dưới sự kiểm soát chủ quyền của Trung Quốc.
Những hành động leo thang của Trung Quốc vấp phải sức ép từ cộng đồng quốc tế. Biển Đông ngày càng trở thành vấn đề nóng được cả thế giới quan tâm chứ không còn gói gọn trong khu vực. Nhiều cường quốc, đặc biệt là "Bộ tứ kim cương" Mỹ - Nhật - Ấn Độ - Úc, đang đẩy mạnh hoạt động trên biển Đông và các vùng biển lân cận để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Bình luận (0)