Các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định bản thảo thí nghiệm được tạp chí MIT Technology Review công bố hôm 3-12 thực chất là bản thảo mà ông He chia sẻ cho một tạp chí phương Tây cách đây 1 năm.
Sau khi xem xét bản thảo, các chuyên gia khẳng định thí nghiệm của ông He không thể được xem là thành công và cặp song sinh được chỉnh sửa gien – Lulu và Nana, nhiều khả năng không có khả năng kháng HIV như ông mong muốn.
"Thay vào đó, cặp song sinh có các biến thể mới lạ với hiệu ứng không rõ ràng" – MIT Technology Review (Mỹ) trích dẫn chuyên gia luật Hank Greely, Trường ĐH Stanford (Mỹ), cho biết.
Một chuyên gia khác là ông Fyodor Urnov, Trường ĐH California, cáo buộc ông He "trình bày sai lệch trắng trợn dữ liệu và đây là một sự giả dối có chủ ý".
Trước những phản ứng nêu trên, một nhà khoa học giấu tên của Trung Quốc khẳng định ông "không hiểu tại sao truyền thông Mỹ lại đào bới vụ việc, bởi ông He đã công bố dữ liệu liên quan đến thí nghiệm của mình và đã bị chỉ trích".
Nhà di truyền học Trung Quốc He Jiankui. Ảnh: Straits Times
Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post (SCMP), vẫn còn một bí ẩn lớn liên quan đến thí nghiệm chỉnh sửa gien người của ông He: Nơi ở và tình trạng hiện tại của ông.
Ông Chen Bin, một quan chức tại văn phòng kiểm tra kỷ luật của Trường ĐH Khoa học Công nghệ Nam Phương – nơi ông He từng làm việc, khẳng định ngay cả ông cũng không nắm thông tin này hay bất cứ thông tin nào liên quan đến quá trình điều tra và xét xử ông He.
Giới chức Trung Quốc từng tuyên bố sẽ điều tra kỹ lưỡng thí nghiệm của ông He và ông cùng với nhóm cộng tác sẽ bị xử phạt thỏa đáng. Tuy nhiên, mọi thông tin liên quan đến quá trình này đến giờ vẫn được giữ kín.
Trước đó, vào tháng 11-2018, ông He khiến cộng đồng khoa học thế giới bị sốc và phẫn nộ khi tuyên bố đã sử dụng công nghệ CRISPR để chỉnh sửa ADN của phôi người, tạo ra Nana và Lulu, với biến thể gien CCR5 giúp kháng HIV. Cặp song sinh này được tạo ra từ một cặp vợ chồng mà trong đó, người chồng nhiễm HIV còn người vợ thì không.
Bình luận (0)