Theo báo cáo về hoạt động quân sự Trung Quốc trình lên Quốc hội Mỹ hôm 13-5, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc hiện có 2 sư đoàn bộ binh cơ giới đổ bộ, 1 lữ đoàn thiết giáp đổ bộ, 11 trung đoàn và lữ đoàn không quân, 3 sư đoàn dù, 2 lữ đoàn hải quân cùng hơn 50 tàu đổ bộ lớn, nhỏ. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc còn ký hợp đồng mua bán tàu đệm khí tấn công với Ukraine.
Từ năm 2005, Bắc Kinh đã chế tạo 3 tàu đổ bộ vận tải cỡ lớn Yuzhao, trong khi chiếc thứ tư sắp được đưa vào biên chế.
Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đưa ra nhiều kế hoạch cho một cuộc "đổ bộ xâm chiếm Đài Loan". Trong số này, nổi bật là hoạt động mang tên "Chiến dịch Đổ bộ đảo kết hợp" với sự quy tụ của không quân, hải quân, đơn vị tác chiến điện tử và hậu cần.
Mục đích của Bắc Kinh là xuyên thủng hoặc phá vỡ hệ thống phòng thủ bờ biển của Đài Bắc; thiết lập và xây dựng bãi đổ bộ; vận chuyển binh lính và thiết bị quân sự tới phía Bắc hoặc phía Nam của bờ biển phía Tây Đài Loan, sau đó khởi động các cuộc tấn công để chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng hoặc toàn bộ hòn đảo.
Lầu Năm Góc cho rằng hiện nay Trung Quốc chưa đủ khả năng chiếm Đài Loan. Hơn nữa, chiếm hòn đảo sẽ khiến quốc tế can thiệp, đem lại các rủi ro chính trị và quân sự khó lường.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn không ngừng tăng cường năng lực đổ bộ, đặc biệt là đối với Lực lượng Hải quân (PLAN).
Năm 2012, Trung Quốc cùng Thái Lan tham gia cuộc tập trận đổ bộ “Lực lượng Tấn công Xanh”. Thời điểm đó, Bắc Kinh diễn tập đổ bộ tới 3 lần nhưng phải đến năm 2015, nước này mới thực hiện các cuộc tập trận đổ bộ nghiêm túc.
Từ tháng 7-2015, Trung Quốc thực hiện 3 cuộc tập trận đổ bộ đáng chú ý khác: cuộc tập trận của Hạm đội Nam Hải; cuộc tập trận Hành động Kết hợp 2015B và cuộc tập trận Hàng hải Kết hợp với sự tham gia của quân đội Nga.
Trung Quốc từ lâu vẫn xem Đài Loan là khu vực chiến lược vì hòn đảo này án ngữ tuyến đường tới Thái Bình Dương của Bắc Kinh. Máy bay và tàu thuyền Trung Quốc đều phải di chuyển vòng qua Đài Loan để tiến ra các vùng biển xa hơn.
Bình luận (0)