Các nhà kinh tế đang lo ngại trước món nợ ngày càng lớn của Trung Quốc: con số này đã tăng lên mức 237% GDP trong quý I/2016, một con số cao kỷ lục.
Tăng cường cho vay
Theo báo Financial Times (Anh), nỗi lo kinh tế “hạ cánh cứng” (thuật ngữ phản ánh tình trạng một nền kinh tế nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó là suy thoái) buộc Bắc Kinh gần đây tăng cường cho vay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết quả là các khoản vay mới đã tăng thêm 6.200 tỉ nhân dân tệ (954 tỉ USD) trong 3 tháng đầu năm 2016 - mức tăng quý cao kỷ lục. Con số trên góp phần khiến nợ của Trung Quốc (bao gồm cả vay mượn trong và ngoài nước) đạt mức 163.000 tỉ nhân dân tệ vào cuối tháng 3.
Tỉ lệ nợ/GDP của Trung Quốc dù không chênh lệch bao nhiêu so với Mỹ hoặc khu vực đồng euro (eurozone) nhưng lại quá cao so với các nền kinh tế đang phát triển khác.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế, nợ của nhóm các nền kinh tế đang phát triển trong quý III/2015 tương đương 175% GDP, trong lúc con số này của Trung Quốc là 249%.
Trong khi đó, Mỹ và eurozone có tỉ lệ nợ/GDP lần lượt là 248% và 270% GDP. Điều khiến người ta lo ngại hơn là tốc độ gia tăng nhanh của khoản nợ khủng của Bắc Kinh: Tỉ lệ nợ/GDP chỉ mới ở mức 148% vào cuối năm 2007.
Theo các nhà kinh tế, thực trạng nợ nần nói trên làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính hoặc tăng trưởng kinh tế chậm lại trong thời gian dài ở Trung Quốc.
Không những thế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây cảnh báo các nền kinh tế phát triển cũng đối mặt mối đe dọa ngày càng lớn từ nợ của Trung Quốc do mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa quốc gia này và các thị trường tài chính toàn cầu.
Theo báo cáo của IMF, các công ty Trung Quốc đang gánh khoản nợ 1.300 tỉ USD mà họ không có khả năng trả lãi. Nếu vấn đề này không được xử lý, các ngân hàng có thể bị tổn thất số tiền tương đương 7% GDP đất nước.
“Bất chấp tiến triển về tái cân bằng kinh tế, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang sụt giảm do kinh tế tăng trưởng chậm lại và lợi nhuận ít đi. Nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thấy vấn đề nợ nần của doanh nghiệp và đang thực hiện những biện pháp đối phó. Tuy nhiên, quy mô của vấn đề đòi hỏi một chính sách tham vọng” - ông José Viñals, cố vấn tài chính của IMF, nhận định.
Nguy cơ khủng hoảng tài chính
Các nhà kinh tế đều nhất trí rằng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt rủi ro nhưng chia rẽ về mức độ nghiêm trọng. Một số người lo ngại nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính một khi các ngân hàng sụp đổ khiến thị trường tín dụng tê liệt.
Những người khác chỉ ra một kịch bản ít nghiêm trọng hơn: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vẫn có khả năng ngăn chặn khủng hoảng xảy ra bằng cách bơm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng.
Khi đó, PBoC vẫn bảo đảm được tính thanh khoản của các ngân hàng ngay cả khi các khoản nợ không thanh toán được gia tăng mạnh. Dù vậy, kinh tế Trung Quốc khi đó vẫn có thể rơi vào cảnh tăng trưởng chậm và giảm phát trong nhiều năm.
Nhiều người đang lo tình trạng nợ của Trung Quốc có thể dẫn đến cái gọi là “suy thoái bảng cân đối”, một thuật ngữ được ông Richard Koo, nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản), sử dụng để mô tả sự trì trệ của kinh tế Nhật Bản những năm 1990 và 2000.
Theo ông Koo, khi nợ doanh nghiệp đạt mức quá cao, những chính sách tiền tệ truyền thống không còn hiệu quả bởi các công ty chỉ tập trung chuyện trả bớt nợ nên không chịu vay mượn thêm cho dù lãi suất cực thấp.
“Nếu thua lỗ không thể hiện trên bảng cân đối tài chính của công ty, nó sẽ biểu lộ thông qua tăng trưởng chậm lại và giảm phát, một con đường mà Trung Quốc đã bắt đầu đi” - ông Charlene Chu, một nhà nghiên cứu tại Công ty Autonomous Research Asia (Hồng Kông), viết gần đây.
Bình luận (0)