Ông Carpio nói tại một diễn đàn được tài trợ bởi Bộ Quốc phòng Philippines: “Trung Quốc chiếm và cải tạo 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), nhưng sử dụng nguyên vật liệu từ 10 bãi đá khác (để bồi đắp) nên Bắc Kinh đã phá hủy tổng cộng 17 bãi đá ở quần đảo Trường Sa”.
Vị thẩm phán Philippines không tiết lộ tên của 10 bãi đá mà Trung Quốc đang nạo vét để phục vụ cho kế hoạch cải tạo phi pháp 7 bãi đá khác ở biển Đông, gồm đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Chữ Thập, đá Ken Nan, đá Xu Bi và đá Vành Khăn.
Bắc Kinh gọi các hoạt động cải tạo đất nói trên là hợp pháp, hỗ trợ công việc tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, phòng chống thiên tai… Nhưng mục đích chính có thể nhằm phục vụ cho mưu đồ quân sự.
Philippines năm 2013 kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan. Thẩm phán Carpio khẳng dịnh cần phải áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) để ngăn tranh chấp cũng như yêu sách này.
Thẩm phán Antonio Carpio. Ảnh: Inquirer
Trong một diễn biến liên quan, quân đội Philippines hôm 29-7 đề xuất Quốc hội tăng gấp 3 lần chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới để hiện đại hóa lực lượng vũ trang và thiết bị quân sự. Thiếu tướng Guillermo Molina, một trong những người đề xuất kế hoạch nêu trên, cho biết Manila đang rất cần nâng cấp khả năng quốc phòng để vượt lên khỏi mức “tụt hậu” như hiện tại.
“So sánh chi tiêu quân sự của Philippines với các nước láng giềng của chúng ta, Philippines là một trong những nước có mức chi tiêu thấp nhất. Quốc hội có thể phải xem xét ngân sách quốc phòng hàng năm ở con số tương đương ít nhất 2 % GDP” – ông Molina giải trình.
Năm nay, Quốc hội Philippines dành 115.8 tỉ peso (khoảng 2,54 tỉ USD) chi tiêu cho quốc phòng (chiếm chưa đến 1 % GDP). Sang năm tới, chính phủ yêu cầu 129.1 tỉ peso, trong khi quân đội cần tới 308 tỉ peso mới đáp ứng nhu cầu dự kiến.
Nghị sĩ Francisco Acedillo cho biết Hạ viện sẽ phải nghiên cứu đề xuất của quân đội và sẽ hỗ trợ nếu nó thật sự cần thiết.
Bình luận (0)