Cung cấp thông tin cập nhật tình hình nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 12-9 cho biết nhóm tàu này tiếp tục vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
"Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hòa bình và an ninh, ổn định ở biển Đông cũng như khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam" - Người phát ngôn nêu rõ.
Về phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, bà Hằng khẳng định mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 Ảnh: Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc
Về việc truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đang xây dựng mạng lưới máy bay không người lái để giám sát và chuyển tiếp thông tin về các đảo nhân tạo được xây dựng phi pháp trên biển Đông, Người phát ngôn nhấn mạnh thêm một lần nữa Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên nếu không có sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Liên quan đến việc ngày 3, 4-9, tàu cẩu Lam Kình của Trung Quốc đã di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngãi 90 km, bà Hằng xác nhận tàu Lam Kình đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hoạt động của tàu luôn được các lực lượng chức năng Việt Nam giám sát theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.
Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đã diễn ra trên biển Đông phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực.
Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hòa bình, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực biển Đông được xác lập tại UNCLOS là mục tiêu lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế. "Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này" - Người phát ngôn khẳng định.
Triển khai dự án dầu khí theo kế hoạch
Về thông tin Tập đoàn Dầu khí của Mỹ Exxon Mobil rút dần khỏi dự án dầu khí Cá Voi Xanh, bà Hằng cho biết Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có thông tin cho biết là các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ, được tổ hợp nhà thầu gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí và Exxon Mobil triển khai theo kế hoạch.
Bình luận (0)