Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết nhóm tàu trên dự kiến sẽ tuần tra 4.500 km lần này, thậm chí có thể diễn tập theo đội hình "nếu điều kiện hàng hải cho phép".
Một trong những tàu hải giám lớn nhất của CMS - Haixun 31 - từng tuần tra trên biển Đông. Ảnh: Tân Hoa Xã
Theo quan chức này, Cơ quan Hải giám Trung Quốc (CMS) là một đơn vị trực thuộc Cục Hải dương, chịu trách nhiệm tuần tra và giám sát biển cũng như ngăn chặn các hoạt động hủy hoại môi trường và tài nguyên biển.
Từ năm 2006, CMS thường xuyên phái tàu hải giám đi tuần tra, trên thực tế là nhằm tranh giành chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển không thuộc Trung Quốc, nên luôn gây ra phản ứng mạnh mẽ của các nước trong khu vực. Không chỉ thế, gần đây, Bắc Kinh còn liên tục gây hấn với các nước láng giềng trên biển, đặc biệt là Philippines và Nhật Bản.
Trước đó, ngày 23-6, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ngang nhiên mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định hành động này là "phi pháp và không có giá trị".
Người phát ngôn nhấn mạnh hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở biển Đông.
Bình luận (0)