Tờ báo Sankei Shimbun hôm 17-1 dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại New Delhi rằng khu vực Arunachal Pradesh nằm trên biên giới đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ là “lãnh thổ của Ấn Độ”.
Nhận xét của ông Kishida lập tức bị Trung Quốc phản ứng dữ dội. Bắc Kinh kêu gọi Tokyo “hiểu được tình thế nhạy cảm của vấn đề biên giới Trung - Ấn”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết tại một cuộc họp báo hàng ngày: “Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản giải thích cũng như rút lại phát ngôn gây tiêu cực này”.
Ông Hồng khẳng định Nhật Bản từng hứa với Trung Quốc sẽ không can thiệp vấn đề biên giới nhưng không giữ lời. Bộ Ngoại giao Nhật Bản sau đó tìm cách “hạ hỏa” bằng việc thông báo họ không thể xác nhận tuyên bố của Ngoại trưởng Kishida, đồng thời bày tỏ hy vọng Ấn Độ và Trung Quốc có thể giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Toàn bộ khu vực Arunachal Pradesh mà Trung Quốc gọi là phía Nam Tây Tạng, đặc biệt là thị trấn Tawang, vùng đất quan trọng của Phật giáo Tây Tạng, một thời gian ngắn do Trung Quốc kiểm soát trong cuộc chiến năm 1962 trước khi Bắc Kinh rút lui.
Cũng trong ngày 19-1, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc đánh cắp thiết kế máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Úc, theo tài liệu rò rỉ từ Edward Snowden được tạp chí Đức Der Spiegel đăng tải. Lầu Năm Góc trước đó thừa nhận tin tặc nhắm đến “những dữ liệu nhạy cảm liên quan tới F-35” nhưng không chỉ đích danh quốc gia nào thực hiện.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với phóng viên: “Cái được gọi là bằng chứng dùng để dựng lên các cáo buộc vô căn cứ đối với Trung Quốc là hoàn toàn vô lý”. Ông Hồng nhấn mạnh Trung Quốc “muốn hợp tác với các nước khác để ngăn chặn hành động gián điệp mạng” chứ không phải đi đánh cắp thông tin nhạy cảm.
Ông Hồng Lỗi nói thêm rằng "một số quốc gia cũng có hồ sơ đáng hổ thẹn về lĩnh vực an ninh mạng”, ám chỉ các tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ.
Bình luận (0)