Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hạ thủy tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh vào năm 2012 nhưng không phải trong nước chế tạo. Đó là chiếc Varyag (từ thời Liên Xô cũ) do Trung Quốc mua lại của Ukraine rồi cải tiến và nâng cấp, chủ yếu dùng cho hoạt động nghiên cứu và huấn luyện.
Bắc Kinh giờ đây đang đóng 2 tàu sân bay “nội địa” đầu tiên, cho là xây dựng dựa trên nguyên mẫu chiếc Varyag. Trong đó, một chiếc đang được xây dựng ở TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và chiếc còn lại ở nhà máy đóng tàu Giang Nam, ngoại ô TP Thượng Hải.
Tàu Liêu Ninh và nhóm tàu hộ tống trở về từ biển Đông hồi tháng 1-2014. Ảnh: CNS
Một nguồn tin từ Bắc Kinh nói rằng một khi được đóng xong, 2 tàu sân bay trên có thể được triển khai tới căn cứ hải quân tại TP Tam Á ở đảo Hải Nam cho nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp hoặc điều động tới biển Đông gần đó nếu cần thiết. Mỗi tàu ước tính mang được 30 chiến đấu cơ J-15.
Thời báo Hoàn cầu cho biết tàu sân bay ở Đại Liên sẽ được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ tương tự như tàu sân bay USS Ronald Reagan (Mỹ).
Thông tin chi tiết về 2 tàu sân bay nói trên sẽ được hé lộ trước thời điểm cuối năm nay.
Dù chưa rõ Trung Quốc định chế tạo bao nhiêu tàu sân bay nhưng một quan chức tỉnh Liêu Ninh tiết lộ hồi tháng 1-2014, có ít nhất 4 tàu đã được lên kế hoạch.
Xây dựng tàu sân bay là một phần quan trọng đối với tham vọng tăng cường tiềm lực hải quân để bảo vệ lợi ích ở nước ngoài và đối trọng với Mỹ trên biển của Trung Quốc.
Ông Liu Huaqing, một cựu tư lệnh lực lượng hải quân của PLA, hồi những năm 1980 từng nói rằng Bắc Kinh cần sở hữu ít nhất 4 tàu sân bay trước năm 2020 để giúp nước này kiểm soát vùng biển nằm giữa quần đảo Bonin, Guam và Indonesia – vốn tạo nên cái gọi là Chuỗi đảo thứ ở Thái Bình Dương.
Bình luận (0)