Hiện tại, Hải quân Trung Quốc mới có một tàu sân bay được tân trang lại là Liêu Ninh, chính thức được đưa vào hoạt động hồi tháng 11-2012. Các chuyên gia cho rằng Liêu Ninh chỉ là một con tàu huấn luyện giúp Trung Quốc học hỏi kỹ năng làm chủ các công nghệ đầy phức tạp, vận hành những thế hệ tàu sân bay hiện đại trong hải phận quốc tế.
Theo báo The Strait Times của Singapore, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường một số lượng lớn hỏa lực cho các lực lượng vũ trang của nước này. Theo đó, Bắc Kinh có thể đóng một nhóm tác chiến tàu sân bay mới (CBG), triển khai hoạt động trên khắp các đại dương trong 3 năm tới với tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này.
Thậm chí nhiều bài viết còn cho rằng Trung Quốc có thể có tổng cộng 4 tàu sân bay (bao gồm tàu Liêu Ninh) trong tương lai. Thế nhưng, những đoán định như thế làm Kazianis hoài nghi vì theo nhà báo uy tín này liệu Trung Quốc có khả năng để hoàn thành một nhiệm vụ đầy tham vọng như vậy trong khoảng thời gian ngắn.
“Một khi còn quá nhiều yếu tố thách thức về thiết kế, triển khai, thử nghiệm, đào tạo nhân lực cho CBG, mục tiêu như vậy dường như mới chỉ dừng lại ở khát vọng hơn là thực tế. Hãy nhớ rằng không đơn giản chỉ đặt con tàu sân bay trên biển mà phải tận dụng hết ưu thế của nó” – Kazianis nhận xét.
Viện dẫn những nỗ lực phát triển công nghệ chống tiếp cận/phong tỏa khu vực, vũ khí tấn công trên không gian mạng cùng nhiều vũ khí khác, Kazianis nói rằng Bắc Kinh đã chứng tỏ khả năng tưởng tượng tuyệt vời, vượt ra ngoài tầm nhận thức thông thường.
Bình luận (0)