Hôm 6-5, Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề hải dương - Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tịnh ngang ngược nói vấn đề Philippines đưa ra tòa liên quan đến chủ quyền và phân định hàng hải nên PCA không đủ thẩm quyền xét xử. Chưa hết, ông Âu Dương còn lập luận hơn 30 nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến không mong muốn.
Tuy nhiên, chuyên gia Ian Storey, đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, lật tẩy Bắc Kinh đang nỗ lực để tạo “mặt trận quốc tế” để chống lưng cho mình. Không chỉ mất mặt trước cộng đồng quốc tế nếu PCA ra quyết định có lợi cho Philippines, Trung Quốc còn đối mặt nguy cơ bị các nước có tranh chấp khác kiện ra tòa án quốc tế. Dù vậy, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), lo ngại sức mạnh kinh tế khổng lồ có thể khiến một số quốc gia phương Tây, bao gồm Anh và Úc, đứng về phía Trung Quốc hoặc giữ im lặng.
Cùng ngày 6-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở biển Đông sẽ “nâng cao đáng kể khả năng bảo vệ môi trường”, đồng thời các biện pháp như hút cát, nghiền san hô, xây dựng đảo “đã được tính toán kỹ lưỡng”. Thế nhưng, đây chỉ là lời bào chữa vụng về cho cáo buộc Trung Quốc tàn phá khủng khiếp môi trường biển Đông. Mới nhất, tổ chức Kalayaan Atin Ito của Philippines tố cáo tàu Trung Quốc thả hóa chất làm chết cá hàng loạt ở đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nhưng đang bị Philippines chiếm đóng).
Không dừng lại ở đó, Cục trưởng Cục Ngư nghiệp - Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, ông Triệu Hưng Vũ, còn gây phản ứng khi thông báo Bắc Kinh sẽ siết chặt lệnh cấm đánh bắt trên gần như toàn bộ biển Đông từ ngày 16-5 đến 1-8. Lệnh cấm mà Trung Quốc đơn phương áp đặt từ năm 1999 này liên tiếp bị Việt Nam và các nước trong khu vực khẳng định là vô giá trị.
Bình luận (0)