Vừa đấm vừa xoa
Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 25-3 mạnh miệng: “Trung Quốc không sợ vụ kiện này. Hành động của Philippines vi phạm quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Theo UNCLOS, trước khi tranh chấp biên giới biển được giải quyết, các bên liên quan nên đưa ra thỏa thuận mang tính quá độ thay vì có những hành động đơn phương làm sai lệch phán quyết cuối cùng”.
Một mặt tiếp tục khăng khăng chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, tâm điểm tranh chấp với Philippines; mặt khác, Thời báo Hoàn Cầu “nhắc khéo” Manila rằng nếu xảy ra xung đột vũ trang, chưa chắc Mỹ sẽ bênh vực đồng minh dù 2 nước đã ký Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951. “Gây rắc rối cũng là Philippines, mất mặt trước thế giới cũng là Philippines” - tờ báo viết.
Vừa đấm vừa xoa là thế song Trung Quốc kiên quyết từ chối tham dự phiên tòa quốc tế này. Tuy nhiên, ngày 24-3 vừa qua, Philippines cho biết chánh án ITLOS Shunji Yanai đã chỉ định thẩm phán người Ba Lan Stanislaw Pawlak đại diện cho Trung Quốc. Phía Philippines chỉ định thẩm phán người Đức kiêm cựu chánh án ITLOS Rudy Wolfrum làm đại diện. Nếu 3 thành viên còn lại của hội đồng trọng tài được chỉ định, quá trình xét xử sẽ tiến hành mà không cần Trung Quốc có mặt.
Đủ kiểu dọa dẫm
Theo trang tin Sankei (Nhật Bản) mới đây, để ngăn cản việc xét xử vắng mặt này, Trung Quốc đang gây áp lực đối với các nước ASEAN, trong đó có Singapore và Malaysia nhằm thúc ép Philippines rút đơn kiện. Ngoài ra, Bắc Kinh còn có ý đồ cô lập Philippines với sách lược phân hóa ASEAN, đồng thời răn đe khiến các nước khác trong khu vực không có cơ hội tận dụng vụ kiện của Philippines.
Trong khi đó, tờ The Philippine Star hôm 30-3 dẫn phân tích của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đàm phán ngầm với Philippines bởi nếu tiếp tục vụ kiện, Bắc Kinh sẽ rơi vào thế bất lợi do những tuyên bố chủ quyền của họ trên biển Đông “thiếu cơ sở pháp lý quốc tế”.
Bình luận (0)