Theo hãng tin Reuters, 23 tàu và tàu ngầm từ khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tham gia cuộc tập trận có sự yểm trợ của Không quân Hoàng gia Úc, để thiết lập quan hệ, giúp ngăn chặn xung đột trên biển và phối hợp trong các nỗ lực cứu trợ thiên tai.
Lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận được tổ chức 2 năm một lần, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) cử một tàu hộ vệ tới nhưng không được tham gia các hoạt động diễn tập bắn đạn thật.
Theo báo Asahi Shimbun (Nhật), Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne hồi tháng 8 nói rằng Trung Quốc sẽ tham gia các hoạt động diễn tập lưu thông hàng hải, liên lạc giữa các tàu, các hoạt động bổ trợ và huấn luyện trên biển. Thế nhưng, nước chủ nhà không có kế hoạch cho Trung Quốc tham gia các hoạt động diễn tập bắn đạn thật. Bà Payne không nêu rõ lý do cho động thái này.
Thủy thủ Hải quân Hoàng gia Úc và sĩ quan Hải quân Trung Quốc trên tàu HMAS Newcastle của Úc tại cuộc tập trận Kakadu Ảnh: REUTERS
Ông Anita Sellick, Chỉ huy tàu HMAS Newcastle của Úc, cho biết 2 thủy thủ của Hải quân Hoàng gia Úc đã được đưa lên tàu khu trục Hoàng Sơn của Trung Quốc để hải quân 2 bên phối hợp và tìm hiểu về cuộc tập trận.
Trong khi đó, Thiếu tướng Hải quân Jonathan Mead, Chỉ huy Hạm đội Úc, nói rằng Kakadu sẽ mang lại những lợi ích chung như xây dựng sự hiểu biết và lòng tin giữa các bên. Nhiều nước khác tham gia cuộc tập trận, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Ấn Độ, Pháp, Pakistan, New Zealand…
Úc vốn nhiều lần bày tỏ không chấp nhận Trung Quốc hành động hung hăng trên biển Đông. Hồi tháng 4, ba chiến hạm của Úc đã đụng độ tàu chiến Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này. Đến tháng 5, Mỹ - đồng minh thân cận của Úc, không mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) ngoài khơi đảo Hawaii vì hành động quân sự hóa ngang ngược của Bắc Kinh ở những khu vực tranh chấp trên biển Đông.
Bình luận (0)