Trung Quốc đang tìm cách gạt sang một bên một số thách thức đối ngoại lớn nhất, từ tranh chấp lãnh thổ đến cuộc đối đầu với Mỹ, để ngăn chặn sự bất đồng nảy sinh tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Bắc Kinh vào đầu tuần tới.
Những điểm nóng tiềm tàng
“Trung Quốc sẽ nỗ lực để trở thành chủ nhà thân thiện. Họ xem sự kiện này không khác gì kỳ thế vận hội mùa hè diễn ra ở Bắc Kinh năm 2008” - một nhà ngoại giao nước ngoài đóng tại Bắc Kinh nói với Reuters hôm 6-11.
Chính Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tuần rồi cũng khẳng định Bắc Kinh muốn tổ chức một hội nghị APEC “suôn sẻ và hòa thuận”, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử tổ chức gồm 21 nền kinh tế này. Ông Vương còn cam kết Trung Quốc sẽ hiếu khách với cả Nhật Bản dù 2 nước đang có tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ và lịch sử.
Vấn đề là chưa rõ các khách mời có chịu “hòa thuận” hay không. Những điểm nóng tiềm tàng tại APEC là cuộc xung đột Ukraine và vụ máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia bị bắn hạ. Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 5-11 cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể né tránh một cuộc nói chuyện về những công dân Úc thiệt mạng trong bi kịch MH17.
Ngoài ra, theo các quan chức Mỹ, Tổng thống Barack Obama sẽ phản đối mạnh mẽ hoạt động do thám mạng bị cáo buộc liên quan đến chính phủ và quân đội Trung Quốc tại cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
An ninh được siết chặt tại Bắc Kinh trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC
Ảnh: Reuters
Bắt tay chống tham nhũng
Bất đồng cũng có thể đến từ kế hoạch lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) có vốn hoạt động ban đầu 50 tỉ USD của Trung Quốc. Trong nỗ lực trấn an những nước hoài nghi về động cơ thật sự của Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định nước này muốn học hỏi Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á - 2 ngân hàng đang nhận được hậu thuẫn tài chính lớn nhất từ Washington và các đồng minh.
Chưa hết, theo AP, nước chủ nhà còn có ý định sử dụng Hội nghị APEC để thúc đẩy sáng kiến thành lập Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) trong bối cảnh quá trình thương thảo về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đứng đầu chưa đạt nhiều tiến triển.
Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho hay các nhà lãnh đạo APEC có thể nhất trí tiến tới thành lập FTAAP. Tuy nhiên, các thành viên APEC cho đến giờ vẫn chưa ủng hộ những mục tiêu đầy tham vọng liên quan đến sáng kiến này, bao gồm thời điểm hiệp định có hiệu lực vào năm 2025.
Bên cạnh thương mại, hội nghị còn tập trung vào hợp tác bảo vệ môi trường, vấn đề hiệu quả năng lượng và đô thị hóa. Ngoài ra, theo báo The Wall Street Journal, các thành viên APEC dự kiến ủng hộ lập một mạng chia sẻ thông tin đặt tại Trung Quốc để chống tham nhũng, gọi tắt là Act-Net.
Mạng sẽ sử dụng các biện pháp như dẫn độ, tương trợ tư pháp, thu hồi tiền tham nhũng… để đối phó nạn tham nhũng xuyên biên giới. Những người thạo tin cho biết Act-Net sẽ giúp các cơ quan thực thi pháp luật trao đổi thông tin dễ dàng hơn nhưng sẽ không trở thành phiên bản của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) tại khu vực.
Act-Net là nội dung quan trọng của Tuyên bố Bắc Kinh về chống tham nhũng đang chờ chữ ký của các nhà lãnh đạo APEC. Văn kiện này được xem là nỗ lực mới nhất của ông Tập Cận Bình trong việc mở rộng chiến dịch chống tham nhũng bằng cách truy bắt những nghi can đem tiền bất chính trốn ra nước ngoài.
Sử dụng vũ khí laser
Trung Quốc sẽ triển khai vũ khí laser có khả năng bắn hạ vật thể bay với vận tốc chưa đến 50 m/giây và ở độ cao tối đa 500 m để tăng cường an ninh cho Hội nghị APEC. Theo báo Want Daily (Đài Loan), vũ khí này có phạm vi hoạt động 12 km và bắn hạ được “máy bay nhỏ” trong bán kính 2 km trong vòng 5 giây sau khi phát hiện.
Viện Thiết kế vật lý Trung Quốc khoe hệ thống vũ khí laser mới bắn hạ hơn 30 máy bay không người lái với tỉ lệ thành công 100% trong các cuộc thử nghiệm gần đây.
Bình luận (0)