USA Today dẫn lại một bản nghiên cứu được các nhà khoa học công bố trên tạp chí Nature của Anh hôm 22-5 cho hay hoá chất nói trên là trichlorofluoromethane (CFC-11). Cộng đồng quốc tế đã đồng ý loại bỏ hoá chất này từ năm 2010. Tuy nhiên, bản nghiên cứu chỉ ra rằng trong vòng 6 năm qua, lượng khí thải CFC-11 đã tăng khoảng 7.000 tấn/năm và nguồn này đến từ miền Đông Trung Quốc.
"Thật bất ngờ khi chúng tôi thấy rằng bắt đầu từ khoảng năm 2013, lượng khí thải của một trong những CFC quan trọng nhất đột ngột tăng lên" - tác giả chính của bản nghiên cứu Matt Rigby, một nhà hoá học khí quyển tại Trường ĐH Bristol (Anh), nói.
Hai tỉnh ở miền Đông Trung Quốc - Hà Bắc và Sơn Đông - dường như là nguồn phát thải khí CFC-11 chính. Ảnh: USA Today
Theo bản nghiên cứu, 2 tỉnh ở miền Đông Trung Quốc - Hà Bắc và Sơn Đông - dường như là nguồn phát thải khí CFC-11 chính. Các nhà khoa học đã sử dụng thiết bị giám sát không khí ở Nhật Bản và Hàn Quốc để phát hiện khí thải của Trung Quốc.
Đồng tác giả bản nghiên cứu Sunyoung Park, một nhà hóa học tại Trường ĐH Quốc gia Kyungpook ở Daegu - Hàn Quốc, hy vọng thông tin nói trên sẽ giúp chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề.
Nằm trong tầng bình lưu, tầng ozone hoạt động giống như một loại kem chống nắng: ngăn chặn năng lượng tia cực tím có hại chiếu xuống bề mặt trái đất. Không có tầng ozone, con người và động vật có nguy cơ bị ung thư da và các bệnh khác như đục thủy tinh thể.
"Lỗ thủng tầng ozone" khét tiếng ở Nam Cực. Ảnh: NASA
Ozone tự nhiên xuất hiện trong khí quyển là ozone "tốt", trái ngược với ozone "xấu" gần bề mặt, ô nhiễm do con người tạo ra (có thể gây ra các vấn đề về hô hấp).
Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện sự mỏng đi đáng kể của tầng ozone vào những năm 1970 cũng như "lỗ thủng tầng ozone" khét tiếng ở Nam Cực. Họ xác định việc sản xuất chlorofluorocarbon (CFC) được sử dụng trong tủ lạnh và thuốc xịt aerosol là nguyên nhân chính gây ra vấn đề.
Vào cuối những năm 1980, 196 quốc gia đã ký Nghị định thư Montreal - một hiệp ước hạn chế sản xuất CFC trên toàn thế giới. Dù vậy, bất kỳ sự gia tăng phát thải CFC nào cũng sẽ làm trì hoãn thời gian phục hồi cần thiết cho tầng ozone và "lỗ thủng tầng ozone" ở Nam Cực.
Bình luận (0)