Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho rằng chính sách an ninh và quân sự của Trung Quốc thiếu minh bạch. Ảnh: Bloomberg
Hơn 60% những người tham gia cuộc thăm dò ý kiến khẳng định Trung Quốc khiến họ quan ngại. Con số này cao hơn đáng kể so với con số 46% trong cuộc khảo sát tương tự tiến hành năm 2012. Trong khi đó, số người lo ngại về Triều Tiên giảm xuống còn 53%, so với 65% của 3 năm trước đó.
Cuộc thăm dò ý kiến do Văn phòng Nội các Nhật thực hiện đối với 1.680 người trong khoảng thời gian từ ngày 8-18/1/2015. Đây là cuộc khảo sát được thực hiện 3 năm một lần. Lần đầu tiên được thực hiện năm 1969.
Nhật Bản và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, từ lâu đã mắc kẹt vào cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Trong khi đó, Triều Tiên chưa hết gây quan ngại vì các hoạt động phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo và nguyên tử mặc dù kể từ năm 2013 tới nay, Bình Nhưỡng chưa thực hiện thêm cuộc thử nghiệm hạt nhân nào.
“Chính sách an ninh và quân sự của Trung Quốc, trong đó có vấn đề ngân sách, tồn tại nhiều điểm thiếu minh bạch. Chúng tôi muốn tìm kiếm sự cở mở hơn từ Bắc Kinh” - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani hôm 6-3 nói với báo giới.
Tokyo và Bắc Kinh sẽ bắt đầu các cuộc hội đàm an ninh vào ngày 19-3 tới tại thủ đô của Nhật Bản. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên về vấn đề này giữa hai nước trong vòng 4 năm qua, được nhất trí sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11-2014.
Trở lại cuộc khảo sát nói trên, khi được hỏi về quan hệ quốc phòng giữa Nhật với các nước khác, tỉ lệ những người nhận thấy lợi ích từ trao đổi quân sự với Trung Quốc và Hàn Quốc đã giảm xuống khoảng 1/3. Trong khi đó, Đông Nam Á được đánh giá là đối tác hữu ích nhất đối với Nhật Bản.
Theo Bloomberg, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang tìm cách tăng cường Lực lượng Phòng vệ (SDF) nước này, một mặt để đối phó với hoạt động hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Theo kết quả khảo sát, trong khi 59% cho rằng quy mô hiện tại của lực lượng vũ trang Nhật Bản là hợp lý, số người ủng hộ mở rộng quốc phòng dù chưa chiếm đa số nhưng đã tăng đáng kể, lên tới 30% so với 25 % của cuộc khảo sát năm 2012 và 14% của cuộc khảo sát năm 2009.
Đáng chú ý, số người quan tâm tới SDF đã lên tới mức kỷ lục, với 71,5 %. Và hơn 92% khẳng định có ấn tượng tốt đối với lực lượng vũ trang trong nước.
Bình luận (0)