Theo tờ Đại Công báo của Hồng Kông ngày 7-3, Bắc Kinh có tham vọng mở rộng phi pháp diện tích đất liền của nhóm đảo An Vĩnh (gồm 7 đảo) lên 15 km vuông, gấp nhiều lần so với tổng diện tích ban đầu là 1,32 km vuông.
Hoạt động bồi lấn trái phép đang được chính quyền Bắc Kinh tiến hành ở đảo Bắc, đảo Nam thuộc An Vĩnh. Khi dự án hoàn thành, một sân bay sẽ được xây dựng tại một trong những hòn đảo mà Trung Quốc mở rộng trái phép, dự kiến có kích thước lớn hơn đảo Phú Lâm.
Đảo Phú Lâm có kích thước ban đầu là 2,13 km vuông, giờ được mở rộng lên hơn 3 km vuông.
Phó đô đốc Joseph P. Aucoin cho rằng Trung Quốc phải tuyên bố rõ ý đồ từ các hoạt động quân sự gây lo ngại ở biển Đông. Ảnh: DEFENSE NEWS
Đại Công báo nói rõ Trung Quốc còn có mưu đồ xây một cầu lớn nối liền An Vĩnh và đảo Phú Lâm.
Hồi cuối tháng 2, quan chức của cái gọi là “TP Tam Sa” trên đảo Phú Lâm đã tiến hành hoạt động khảo sát phi pháp ở An Vĩnh.
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng tốc hoạt động xây dựng phi pháp ở biển Đông, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, Phó đô đốc Joseph P. Aucoin, hôm 6-3 cho rằng Trung Quốc phải tuyên bố rõ ý đồ của hoạt động xây đảo nhân tạo và triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu trái phép tại vùng biển này để giúp tình hình ổn định hơn.
“Tôi đã xem bản tin về các vũ khí được đưa ra đảo Phú Lâm, chúng làm gia tăng lo ngại căng thẳng tiếp tục leo thang ở khu vực” - ông Aucoin phát biểu trước báo giới.
Ngoài ra, ông Aucoin cũng hoan nghênh việc chính phủ Philippines đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông ra Toà Trọng tài Thường trực ở The Hague - Hà Lan.
Nhóm tàu sân bay Mỹ rời biển Đông
Nhóm tàu gồm tàu sân bay USS John C. Stennis, các khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon, USS Stockdale và USS William P. Lawrence, cùng tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay đã rời biển Đông sau khi đến đây hôm 1-3.
Theo trang Military, nhóm tàu đã hoàn thành các hoạt động định kỳ trên biển Đông trong 5 ngày và sau đó di chuyển vào biển Philippines qua eo Luzon. Trong thời gian này, các trực thăng trên tàu USS John C. Stennis đã thực hiện khoảng 266 đợt xuất kích. USS John C. Stennis được tiếp liệu ngay trên biển và nhận tiếp tế từ tàu hỗ trợ USNS Rainier.
Trong suốt quá trình trung chuyển này, nó đã tiến hành hoạt động bay thường nhật với đội bay số 9 và hoàn thành việc tiếp tế trên biển, dự trữ hàng hóa và nhiên liệu từ tàu hỗ trợ tấn công nhanh Rainier.
Theo giới chức Mỹ, các tàu của hải quân Trung Quốc đã bám sát nhóm tàu trên ở biển Đông song không xảy ra sự cố gì. Ông Matt Knight, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cho hay không tàu nào đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép.
Sau khi rời biển Đông, tàu USS John C. Stennis tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn bắt đầu từ ngày 7-3.
Bình luận (0)