Theo tuyên bố được đăng tải trên trang mạng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sáng 8-9, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Tây, Đại tá Trương Thủy Lợi, cho biết binh sĩ Trung Quốc đã thực hiện "các biện pháp đối phó" để ổn định tình hình.
"Trong khi tuần tra, quân đội Ấn Độ đã ngang nhiên nổ súng đe dọa lính biên phòng Trung Quốc và lực lượng biên phòng Trung Quốc buộc phải thực hiện các biện pháp đối phó để ổn định tình hình trên mặt đất" – tuyên bố có đoạn.
Tuy nhiên, ông Trương không đề cập rõ những biện pháp này hoặc các binh sĩ Trung Quốc có nổ súng cảnh cáo hay không.
Trung Quốc tố binh sĩ Ấn Độ ngày 7-9 "vượt trái phép" Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở vùng núi Shenpao, bờ Nam hồ Pangong Tso. Ảnh: AP
Phía Trung Quốc cho biết các binh sĩ Ấn Độ ngày 7-9 "vượt trái phép" Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở vùng núi Shenpao, bờ Nam hồ Pangong Tso thuộc ở khu vực Ladakh.
Gọi đây là "hành động khiêu khích nghiêm trọng", ông Trương nêu rõ: "Chúng tôi yêu cầu phía Ấn Độ ngay lập tức chấm dứt những hành động nguy hiểm và điều tra, xử lý nghiêm minh các binh sĩ đã nổ súng để đảm bảo những vụ việc tương tự không tái diễn".
Ngược lại, theo đài NDTV (Ấn Độ), vụ việc ngày 7-9 được cho là lần thứ 2 trong vòng 2 tuần nay quân đội Trung Quốc có hành động khiêu khích ở bờ Nam của hồ Pangong Tso. Thế nhưng, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này đã có thể "ngăn chặn những nỗ lực này nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng" tại LAC.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 7-9 nhận định tình hình biên giới Ấn-Trung dọc theo LAC là "rất nghiêm trọng". Ông Jaishankar kêu gọi thực hiện những cuộc đối thoại chính trị sâu sắc giữa New Delhi và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Jaishankar không cho biết liệu ông có gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Nga vào ngày 10-9 hay không.
Căng thẳng leo thang kể từ vụ đụng độ chết người giữa binh sĩ Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp vào ngày 15-6. Ảnh: The Hindu
Lâu nay, hai bên duy trì thỏa thuận tránh sử dụng súng ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được năm 1996 này không thể ngăn chặn những vụ đụng độ chết người.
Căng thẳng leo thang kể từ vụ đụng độ chết người giữa binh sĩ Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp vào ngày 15-6. Hai nước sau đó triển khai lực lượng bổ sung dọc biên giới ở phía Tây dãy Himalaya. Vụ đụng độ biên giới Trung Quốc - Ấn Độ lần đó khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong khi Trung Quốc không công bố số liệu thương vong.
Chính phủ Ấn Độ ngày 31-8 cáo buộc Trung Quốc triển khai "các hoạt động quân sự khiêu khích". Các nguồn tin cho biết một số lượng lớn quân đội Trung Quốc, được triển khai dọc theo bờ Nam của hồ Pangong Tso đã di chuyển về phía Tây để đơn phương chiếm đóng khu vực này.
Bình luận (0)