xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc trấn áp "tê giác xám"

HOÀNG PHƯƠNG

Bằng cách mạnh tay với Anbang, Bắc Kinh muốn nêu bật ưu tiên ổn định hệ thống tài chính và cắt cơn nghiện vay nợ

Với việc tạm nắm quyền kiểm soát Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, chính phủ Trung Quốc đang quản lý nhiều bất động sản tên tuổi trên thế giới, trong đó có khách sạn nổi tiếng Waldorf Astoria ở TP New York - Mỹ được mua với giá 1,95 tỉ USD năm 2014.

Ám ảnh của Bắc Kinh

Theo thông báo của Ủy ban Giám sát Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) hôm 23-2, một nhóm cơ quan nhà nước sẽ tiếp quản Anbang trong 1 năm sau khi ông Wu Xiaohui không còn làm chủ tịch công ty này và bị truy tố vì cáo buộc phạm các tội kinh tế. CIRC cho biết có những hoạt động phi pháp tại Anbang đang đe dọa đến khả năng trả nợ của công ty.

Ông Wu thuộc nhóm doanh nhân Trung Quốc được gọi là "tê giác xám" - những nhân vật tham vọng, có các mối liên hệ chính trị và tận dụng vốn vay lãi suất thấp để mở rộng đế chế kinh doanh trong lúc tích cực thu mua tài sản danh giá ở nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà quản lý Trung Quốc lo ngại món nợ của những công ty như Anbang đủ lớn để đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính đất nước. Vào năm ngoái, Bắc Kinh bắt đầu tập trung đối phó nguy cơ này. Ông Wu bị bắt vào tháng 6-2017 và đến nay vẫn chưa có thông tin gì về số phận của người này.

"Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nhưng hệ thống tài chính Trung Quốc luôn bị ám ảnh về nguy cơ khủng hoảng" - bà Anne Stevenson-Yang, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty J Capital Research, nhận định. Một số chuyên gia khác cho rằng có thể hiểu động thái trên là những vấn đề của Trung Quốc đang nghiêm trọng hơn những gì người ta tưởng, buộc Bắc Kinh phải hành động.

Trước khi sa lưới pháp luật, ông Wu được cho là phất lên nhờ các mối quan hệ chính trị mạnh mẽ sau khi kết hôn với cháu gái của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Anbang ra đời năm 2004, ban đầu kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm ô tô trước khi mở rộng sang bảo hiểm nhân thọ năm 2010. Công ty này nhanh chóng trở thành một đại gia bảo hiểm với số tài sản ước tính lên đến 310 tỉ USD nhưng cũng đối mặt khoản nợ gần 26 tỉ USD, tính đến tháng 9-2017, theo Bloomberg.


Trung Quốc trấn áp tê giác xám - Ảnh 1.

Ông Wu Xiaohui Ảnh: IMAGINECHINAThông điệp mạnh

Anbang từng được xem là biểu tượng cho tham vọng mở rộng ra toàn cầu của các doanh nghiệp Trung Quốc. Công ty này liên tục thâu tóm các khách sạn nổi tiếng ở Mỹ, các công ty bảo hiểm ở châu Âu và châu Á. Riêng thương vụ mua lại khách sạn Waldorf Astoria khiến tên tuổi Anbang và ông Wu được chú ý nhiều hơn trên thế giới. Sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Anbang đã thương thảo về việc đầu tư vào một công ty thuộc sở hữu của gia đình ông Jared Kushner, con rể ông Trump, nhưng không thành công. Theo thống kê của Công ty Deallogic (Anh), Anbang đã chi 15 tỉ USD cho các thương vụ đình đám ở nước ngoài trong giai đoạn 2009-2017.

Bằng cách mạnh tay với Anbang, theo AP, Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp mạnh mẽ đến các công ty, ngân hàng và những trụ cột khác của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới về ưu tiên ổn định hệ thống tài chính và cắt cơn nghiện vay nợ. Bloomberg dự báo tổng nợ của Trung Quốc sẽ tương đương 325% GDP vào năm 2022, so với tỉ lệ 260% năm 2016. Dưới sức ép của nhà chức trách, nhiều công ty đang bán đi những bất động sản từng mua ở nước ngoài, như Dalian Wanda và HNA Group. Tờ South China Morning Post nhận định một doanh nhân khác có thể phải chịu chung số phận như ông Wu là Xiao Jianhua, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn tài chính Tomorrow Group, sau khi truyền thông đưa tin ông bị cảnh sát đại lục đưa khỏi một khách sạn ở Hồng Kông hồi tháng 1-2017 và đến giờ vẫn biệt vô âm tín.

Không chỉ gây rúng động trong nước, câu chuyện của Anbang cũng chỉ ra những vấn đề phức tạp mà Washington phải đối mặt trong bối cảnh các công ty Trung Quốc, thường có cấu trúc sở hữu mơ hồ, tìm cách thâu tóm doanh nghiệp Mỹ. Theo trang Quartz, việc Anbang đột ngột và nhanh chóng rơi vào tay nhà chức trách Trung Quốc, dù chỉ là tạm thời, cho thấy bất kể ai là chủ sở hữu một doanh nghiệp thì Bắc Kinh mới là bên có tiếng nói cuối cùng. 

Từ "mua cả thế giới" đến nợ ngập đầu

Theo thông tin công bố ngày 23-2, tỉ phú Trung Quốc Li Shufu vừa mua 9,69% cổ phần - trị giá khoảng 8,9 tỉ USD - của Công ty Ô tô Daimler (sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz), biến ông thành cổ đông đơn lẻ lớn nhất của tập đoàn Đức này.

Năm nay 54 tuổi, tỉ phú Li làm chủ tập đoàn ô tô Trung Quốc Geely Automobile Holdings. Với khối tài sản ròng ước tính 16,6 tỉ USD, ông Li giàu thứ 10 Trung Quốc và xếp hạng 209 trong số tỉ phú thế giới. Tập đoàn Geely của ông mua hãng Volvo của Thụy Điển vào năm 2010, đồng thời sở hữu công ty xe thể thao Anh Lotus.

Chỉ một ngày trước thông tin trên, Tập đoàn Fosun - cũng của Trung Quốc - thông báo đã mua đa số cổ phần để kiểm soát Công ty Thời trang Lanvin lâu đời nhất của Pháp. Fosun, tập đoàn đến từ Thượng Hải và đang sở hữu Tập đoàn Giải trí Club Med (Pháp), không tiết lộ giá trị thương vụ Lanvin song theo Reuters, Fosun sẽ đầu tư gần 123 triệu USD để hồi sinh nhà mẫu Pháp đang gặp khó khăn tài chính. Cùng tham gia cuộc "vơ vét" các thương hiệu sang trọng của châu Âu còn có một đại gia Trung Quốc khác là Shandon Ruyi. Theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn dệt và may mặc này đang nắm trong tay các thương hiệu Sandro, Maje, Claudie Pierlot (Pháp), Aquascutum (Anh), Bally (Thụy Sĩ).

Tuy nhiên, đài CNN cho rằng "bữa tiệc mua sắm" nói trên có thể sớm tàn sau thông báo ngày 23-2 về việc giới chức trách Trung Quốc tiếp quản Tập đoàn Bảo hiểm Anbang trong 1 năm. Anbang cùng với Dalian Wanda, HNA là 3 tập đoàn thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc và đã vung hơn 50 tỉ USD vào một loạt thương vụ vòng quanh thế giới trong năm 2016. Thế nhưng, theo Công ty Deallogic (Anh), số tiền mà 3 tập đoàn này bỏ ra cùng mục đích đã giảm tới 75% vào năm 2017.

Đó cũng là xu hướng chung của các công ty Trung Quốc, dẫn đến lo ngại họ sẽ đuối sức và chuyển sang bán bớt tài sản. Sợ rằng dòng tiền ồ ạt chảy khỏi đất nước, giới chức Bắc Kinh đã mạnh tay ngăn chặn các công ty vay nợ liều lĩnh để mua sắm "điên cuồng" ở nước ngoài. Hành động này không thừa nếu nhìn vào thực trạng của Dalian Wanda. Sau khi thâu tóm bất động sản ở Los Angeles, Chicago (Mỹ), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng như bơm tiền vào ngành giải trí, ông chủ Wang Jianlin của Dalian Wanda - từng là người giàu nhất Trung Quốc - đang phải vật lộn với núi nợ bằng cách bán bớt các dự án bất động sản ở Anh, Úc và nhiều công viên giải trí, hàng chục khách sạn (khoảng 9 tỉ USD) ở Trung Quốc.

Tương tự, tập đoàn đa ngành HNA không tiếc tiền để nắm giữ nhiều cổ phần của hàng loạt công ty lớn của Mỹ và châu Âu, như chuỗi khách sạn Radisson, Ngân hàng Deutsche Bank... Nhưng HNA hiện đối mặt khoản nợ lên tới khoảng 100 tỉ USD hoặc hơn, khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của nhiều công ty con trong hệ thống khổng lồ của HNA.

Hải Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo