Cuộc tranh cãi về vấn đề kiểm duyệt báo chí ở Trung Quốc đang lan rộng sau khi có tin tổng biên tập báo Beijing News xin từ chức để phản đối sức ép từ các quan chức tuyên giáo ở Bắc Kinh.
Tối hậu thư cho báo Beijing News
Theo báo Telegraph - Anh, ông Đới Tử Canh đã đệ đơn xin từ chức vào đêm 8-1 sau khi các quan chức tuyên giáo buộc tờ báo đăng lại bài xã luận ủng hộ việc kiểm soát truyền thông của chính phủ. Hiện chưa rõ sự từ chức này có được phê chuẩn hay không. Tuy nhiên, một số nguồn tin khác lại nói ông Đới Tử Canh vẫn còn làm việc nhưng nhiều khả năng sẽ bị kỷ luật vì hành động phản đối của mình.
Bài xã luận gây tranh cãi nói trên xuất hiện trên Thời báo Hoàn Cầu hôm 7-1, theo đó, nhận định Trung Quốc “không có chỗ cho cái gọi là tự do báo chí như một số người đòi hỏi” trong những điều kiện chính trị - xã hội hiện nay. Bài viết khẳng định: “Cải cách truyền thông chỉ là một phần của các cuộc cải cách lớn ở Trung Quốc và sẽ không bao giờ trở thành một lĩnh vực đặc biệt”.
Bài xã luận nói trên được xem là lời đáp trả sự kiện vừa xảy ra ở thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông) khi phóng viên tờ Southern Weekly phản đối sự can thiệp của ban tuyên giáo địa phương vào nội dung các bài viết của mình.
Phóng viên báo Beijing News tập trung tại tòa soạn rạng sáng 9-1 sau khi nghe tin về tối hậu thư. Ảnh: WEIBO
Công ty mẹ của Southern Weekly, Nanfang Media Group, chính là nhà đồng sáng lập ra báo Beijing News, nhật báo có lượng phát hành lớn thứ 3 ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, tờ báo này đã được giao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Kinh quản lý vào năm 2011.
Theo báo The Asahi Shimbun - Nhật Bản, cơ quan này đã ra lệnh cho 4 tờ báo hàng đầu Bắc Kinh đăng lại bài xã luận nói trên trong số ra hôm 8-1. Tuy nhiên, chỉ có tờ Beijing News không chấp nhận lệnh này.
“Đêm đau đớn...”
Một số nguồn tin cho biết đích thân ông Nghiêm Lực Cường, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Kinh, liên tục gọi điện thoại đến tờ báo chiều 8-1 để yêu cầu đăng lại bài xã luận nói trên nhưng bị từ chối. Không chịu thua, ông Nghiêm Lực Cường đã đích thân đến tờ báo để gặp Tổng Biên tập Đới Tử Canh, người vẫn không chịu thay đổi chủ ý sau khi hỏi ý kiến nhân viên. Khoảng 100 phóng viên và biên tập viên có mặt tại tòa soạn lúc đó đều phản đối việc đăng lại bài xã luận.
Đến 1 giờ 30 phút ngày 9-1, ông Nghiêm Lực Cường gọi điện thoại ra lệnh nhà in không được in báo Beijing News nếu không có bài xã luận. Cùng lúc đó, tối hậu thư đã được ông Nghiêm Lực Cường đưa ra: Tờ báo sẽ bị đóng cửa nếu không chịu in. Cuối cùng, tờ báo đành phải nhượng bộ bằng cách đăng một phiên bản xã luận bị cắt gọn. Không ít phóng viên báo Beijing News bị sốc trước những gì đã trải qua. Một số người thậm chí đã bật khóc. Báo South China Morning Post - Hồng Kông đã dùng từ “đêm đau đớn của Beijing News” để mô tả cuộc đối đầu nói trên.
Vụ việc của báo Beijing News là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh cãi về tự do báo chí ở Trung Quốc bắt nguồn từ vụ việc liên quan đến tờ Southern Weekly vào đầu năm nay. Khi đó, ông Độ Trấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Đông, đã ra lệnh thay bài xã luận nhân dịp năm mới của Southern Weekly, trong đó kêu gọi gia tăng quyền của người dân, bằng một bài viết ca ngợi thành tựu của đất nước.
Các phóng viên của báo đã đình công để phản đối hành động này, đồng thời gửi thư đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Đông yêu cầu ông Độ Trấn từ chức. Hàng trăm người ủng hộ tờ báo cũng tập trung phản đối hành động kiểm duyệt nói trên bên ngoài trụ sở tờ báo ở thành phố Quảng Châu trong những ngày đầu tuần này. Dù vậy, tờ báo đã phát hành số mới hôm 10-1 sau khi đạt được thỏa thuận với chính quyền.
Bình luận (0)