Lầu Năm Góc đang cân nhắc tăng cường tuần tra hàng hải trên biển Đông nhằm thách thức việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa tại đây.
Quyết đoán hơn
"Điều chúng ta đã thấy trong vài tuần qua mới chỉ là khởi đầu, những động thái đáng kể hơn đang được lên kế hoạch" - hãng tin Reuters hôm 3-6 dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây cho biết, trong đó đề cập việc Mỹ lần đầu sử dụng 2 tàu chiến áp sát các đảo bị Trung Quốc chiếm trái phép tại biển Đông trong cuộc tuần tra tự do hàng hải hồi tháng trước.
Theo lời 2 quan chức Mỹ cùng các nhà ngoại giao châu Á và phương Tây, Washington muốn đẩy mạnh hơn các chiến dịch tự do hàng hải gần các căn cứ Trung Quốc xây dựng phi pháp trên biển Đông. Những động thái như vậy có thể bao gồm các cuộc tuần tra dài hơn, sử dụng nhiều tàu hơn hay giám sát gần hơn các cơ sở Trung Quốc xây dựng trái phép trong khu vực (hiện đã được lắp đặt thiết bị gây nhiễu điện tử và radar quân sự tân tiến).
Các nguồn tin ngoại giao cũng khẳng định Mỹ muốn thúc đẩy các đối tác và đồng minh tăng cường triển khai hải quân trên tuyến hàng hải ở biển Đông, dù việc đó không trực tiếp thách thức các cơ sở của Bắc Kinh. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thẳng thừng chỉ trích việc Trung Quốc đặt các hệ thống vũ khí trên đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông là nhằm hăm dọa và ép buộc trong khu vực. Ông chủ Lầu Năm Góc cảnh báo hành động quân sự hóa của Bắc Kinh ở biển Đông sẽ đối mặt với các hậu quả lớn hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson phát biểu trên tàu HMS Sutherland của Hải quân Hoàng gia Anh neo đậu ở Singapore hôm 3-6 Ảnh: AP
Tín hiệu mạnh
Theo chân Mỹ, cả Anh và Pháp cũng tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào biển Đông trong tuần này. Tuyên bố được bộ trưởng quốc phòng của hai quốc gia vốn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 3-6.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, một nhóm tàu tác chiến của Pháp cùng trực thăng và tàu chiến Anh sẽ thăm cảng Singapore trong tuần này, sau đó hạm đội di chuyển "đến một số khu vực nhất định" ở biển Đông.
Không đề cập trực tiếp Trung Quốc song nữ bộ trưởng tỏ ý hạm đội sẽ đi vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp và có khả năng chạm trán với quân đội của họ. Bà Parly khẳng định dù nước này không phải là bên có tranh chấp ở biển Đông nhưng bằng cách tiến hành các chiến dịch tuần tra thường xuyên với các nước bạn bè và đồng minh, Pháp đang đóng góp vào một trật tự thượng tôn pháp luật. "Tôi tin rằng chúng ta nên mở rộng nỗ lực này" - người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp nói, đồng thời cho biết châu Âu đang huy động sự ủng hộ rộng rãi đối với hoạt động tuần tra biển Đông, các nhà quan sát của Đức cũng hiện diện trên hạm đội của Anh và Pháp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết nước này sẽ cử 3 tàu chiến tới biển Đông trong năm nay để gửi các tín hiệu mạnh mẽ nhất tới những nước không tuân thủ luật lệ. Ông nhấn mạnh các nước không tuân thủ luật sẽ phải hứng chịu hậu quả.
Trong một động thái rõ ràng thách thức Trung Quốc, Ấn Độ gần đây có hàng loạt bước đi tích cực tăng cường đối ngoại và an ninh khắp Đông Nam Á. Gần nhất, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 31-5 ký thỏa thuận phát triển một quân cảng mới ở TP Sabang của Indonesia, nhìn ra eo biển Malacca (một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới). Ông Modi cũng thỏa thuận với Singapore về một cơ sở hậu cần cho tàu chiến, tàu ngầm và máy bay quân sự tới thăm đảo quốc sư tử…
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2018, Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ làm việc với 11 quốc gia Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) để quảng bá trật tự dựa theo luật lệ cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Giới phân tích cho rằng sự năng nổ của Ấn Độ giúp trả lời các nỗi lo ngại ở Đông Nam Á về sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Bình luận (0)