Phán quyết trên được Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc, đưa ra sáng 23-5.
Từ hôm 31-3, Lưu Hán và em trai Lưu Duy cùng 34 đối tượng khác trong băng nhóm của y bị đưa ra xét xử. Theo Tân Hoa Xã, Lưu Duy cũng bị kết án tử hình, còn những thành viên khác nhận các mức án từ 11 năm tù giam đến chung thân.
Lưu Hán bị truy tố 15 tội danh hình sự, bao gồm giết người, cho vay nặng lãi, kinh doanh sòng bạc, buôn bán vũ khí bất hợp pháp, giam giữ người trái phép… Theo cáo trạng, tổ chức của Lưu Hán tung hoành từ năm 1993, trải rộng ở 10 địa phương, đã thực hiện 9 vụ giết người. Khi tập đoàn mafia này bị triệt phá, cảnh sát thu được 20 khẩu súng, 677 viên đạn, 3 trái lựu đạn và hơn 100 dao các loại.
Theo báo cáo năm 2012 của tạp chí Hồ Nhuận, Lưu Hán được xếp hạng 230
trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: VĂN HỐI
Willy Lam, nhà nghiên cứu lịch sử - chính trị Trung Quốc ở Trường ĐH Hồng Kông, nói vụ án thu hút sự chú ý vì mối quan hệ của Lưu Hán với gia đình ông Chu Vĩnh Khang.
“Tôi nghĩ điều đang xảy ra là Chủ tịch Tập Cận Bình muốn lập một tiền lệ cứng rắn, vì đây là một trong những vụ tham nhũng lớn nhất từ khi ông ấy nắm quyền lực. Họ muốn lấy vụ này để răn đe các cán bộ biến chất, tham nhũng” - ông Lam nói.
Theo các nguồn tin của hãng Reuters, tỉnh Tứ Xuyên, nơi công ty mỏ Hán Long của Lưu Hán đặt trụ sở, là tâm điểm bài trừ tham nhũng của ông Tập Cận Bình, đồng thời là cơ sở quyền lực của ông Chu Vĩnh Khang, người đang bị điều tra vì tham nhũng.
Giới truyền thông Trung Quốc không trực tiếp liên kết vụ Lưu Hán với ông Chu Vĩnh Khang nhưng nói bóng gió về thời gian Lưu Hán lên như diều gặp gió trùng với thời ông Chu làm Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên. Luật sư của Lưu Hán không đưa ra lời bình luận nào.
Bình luận (0)