Cụ thể, ông Ahsan Iqbal, Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Pakistan, cho hay Trung Quốc sẽ đầu tư 37 tỉ USD cho các dự án năng lượng để tạo ra khoảng 16,4 triệu KWh điện và gần 10 tỉ USD cho các dự án hạ tầng. Pakistan hy vọng các dự án này sẽ giúp chấm dứt tình trạng thiếu điện “kinh niên” cũng như vực dậy kinh tế trong nước.
Ông Mushahid Hussain Sayed, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Pakistan, nhận định CPEC nằm trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập các mối liên kết trên bộ và trên biển với những thị trường ở Trung Đông và châu Âu.
Bao gồm một mạng lưới đường sắt, đường bộ và đường ống dẫn, hành lang nêu trên sẽ đi qua tỉnh Baluchistan, nơi đang diễn ra cuộc nổi dậy đòi ly khai. Vì thế, an toàn của công nhân Trung Quốc là một trong những vấn đề thảo luận chính giữa ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Nawaz Sharif cùng các lãnh đạo quân sự chủ nhà. Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc có thể bày tỏ lo ngại trước việc các phần tử Hồi giáo ly khai ở Tân Cương “bắt tay” với phiến quân Pakistan.
CPEC tạo điều kiện cho Trung Quốc vươn tới Ấn Độ Dương và xa hơn, qua đó cho thấy tham vọng tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh không dừng lại ở châu Á. Đáng nói là số tiền Trung Quốc dự định đầu tư vào Pakistan vượt xa con số 31 tỉ USD mà Mỹ viện trợ cho nước này từ năm 2002 đến nay, trong đó 2/3 dành để cải thiện an ninh.
Trung Quốc cũng không ngại vung tiền ở Venezuela. Hôm 19-4, Tổng thống Nicolas Maduro cho biết Venezuela đã nhận được tài trợ 5 tỉ USD từ Bắc Kinh để giúp vực dậy nền kinh tế đang suy thoái sâu và thiếu thốn trầm trọng hàng hóa thiết yếu.
Bình luận (0)