Tháng 6 vừa qua, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc ra nước ngoài tăng 2,8% và các nhà kinh tế dự báo trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sẽ chỉ giảm 1%, nếu có. Tuy nhiên, số liệu hôm 8-8 cho thấy mức giảm lên tới 8,3 % và dự kiến tiếp tục giảm thêm.
Kể từ tháng 3, Mỹ - thị trường lớn nhất của Trung Quốc – hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Bắc Kinh. Gần đây, các nước châu Âu cũng thực hiện động thái tương tự. Chỉ tính riêng tháng 7, xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 12,3%, Mỹ là 1,3%, còn Nhật Bản - đối tác thương mại lớn – giảm 13%.
Ống thép xuất khẩu tập kết tại cảng thuộc TP Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc
ngày 7-3-2015. Ảnh: Reuters
Chuyên gia kinh tế Qu Hongbin đến từ Ngân hàng toàn cầu HSBC, nhận định tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh chỉ còn trông đợi vào nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm mạnh so với hồi năm ngoái: 8,1%, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Hồi tháng 6, nhập khẩu giảm 6,1 %.
Ngoài ra, thặng dư thương mại trong tháng 7 của Trung Quốc chỉ đạt 43,03 tỉ USD so với 53,25 tỉ USD như dự kiến. Tình trạng này có thể khiến Bắc Kinh phải tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế trong nửa cuối năm nay, sau khi nhận thấy một số dấu hiệu khả quan vào tháng 6 vừa qua.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa phục hồi cộng thêm giá trị đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh tăng mạnh so với đồng tiền của các đối tác thương mại khác khiến hàng hóa xuất – nhập khẩu của Trung Quốc bị chững lại.
Do vậy, các nhà kinh tế khuyến cáo Bắc Kinh nên điều chỉnh chính sách đồng nhân dân tệ để hỗ trợ sức mua trong nước, giúp doanh nghiệp Trung Quốc vay vốn và đầu tư ra nước ngoài, đồng thời khuyến khích các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài tăng cường sử dụng lại đồng nhân dân tệ.
Bình luận (0)