Thách thức Liên Hiệp Quốc
Bản thân Sudan không nằm trong danh sách các nước bị LHQ cấm vận vũ khí quy ước, tuy nhiên, Trung Quốc cung cấp vũ khí và đạn dược cho chính quyền Khartoum và từ đây vũ khí được tuồn vào Darfur, một vùng đất rộng lớn của miền Tây Sudan, nơi diễn ra nội chiến đẫm máu kéo dài từ năm 2003 đến 2011, giết chết hàng trăm ngàn thường dân. Darfur từng bị LHQ tuyên bố là thảm họa nhân đạo làm rúng động cả thế giới.
Ông Wezeman cho biết Trung Quốc không phải là nước duy nhất tuồn vũ khí vào Darfur bởi còn có Nga và Ukraine. Thế nhưng, mặc dù nổi tiếng kém chất lượng hơn Nga, châu Âu và Mỹ, súng đạn Trung Quốc vẫn bán chạy nhất nhờ giá rẻ, hợp thị hiếu các nước châu Phi.
Điều đáng nói là, theo nhận định của SIPRI, không giống các nước xuất khẩu vũ khí lớn khác, Trung Quốc công khai thách thức LHQ và thường xuyên từ chối hợp tác với các chuyên gia vũ khí LHQ trong những cuộc điều tra buôn bán vũ khí trái phép ở những nước và khu vực bị cấm vận.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời ông Wezeman cho biết Trung Quốc rất nhạy cảm trước những cáo buộc của LHQ liên quan đến vũ khí lậu ào ạt tuồn vào vùng Hạ Sahara ngay cả trong những trường hợp Trung Quốc không bị “vạch mặt, chỉ tên”. Wezeman nói Trung Quốc liên tục cản trở những cuộc điều tra của LHQ có khả năng dẫn tới địa chỉ sản xuất vũ khí bí mật của Trung Quốc, ngăn cản việc phát hành các báo cáo về buôn bán vũ khí trái phép hoặc tìm cách vô hiệu hóa nó.
WP cũng cho biết Trung Quốc từng ngăn chặn việc thông báo những phát hiện của LHQ về chuyển giao vũ khí bất hợp pháp, tìm cách hạn chế ngân sách điều tra vũ khí và liên tục từ chối cho phép các nhà điều tra truy tìm nguồn gốc vũ khí Trung Quốc tìm thấy trong những khu vực bị LHQ cấm vận vũ khí.
Trong Hội đồng Bảo an LHQ không ai không biết những trường hợp cụ thể sau đây cho thấy Trung Quốc kiên quyết bảo vệ lợi ích kinh tế của mình ở châu Phi, bất chấp tất cả.
Tháng 5-2011, một nhóm chuyên gia vũ khí LHQ thu thập được nhiều vỏ đạn cháy sém ở thị trấn Tukumare vùng Darfur, nơi quân đội Chính phủ Sudan vừa đánh nhau với phiến quân. Các vỏ đạn này sản xuất tại Trung Quốc năm 2010, chứng tỏ chúng được tuồn vào Darfur hơn 5 năm sau khi vùng đất này bị LHQ cấm vận vũ khí. Chúng hoàn toàn phù hợp với hệ thống vũ khí mà không quân Sudan dùng để tấn công phiến quân. Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ yêu cầu của các nhà điều tra tìm hiểu nguồn gốc nhà sản xuất.
Cũng trong năm 2011, Trung Quốc phủ quyết việc công bố báo cáo của chuyên gia vũ khí người Đức Holger Anders, theo đó, nhiều thùng đạn Trung Quốc đã được phát hiện ở Darfur. Trung Quốc cho rằng phát hiện của ông Anders là “không chuyên nghiệp”. Nguyên văn: “Ngay một sinh viên cũng làm tốt hơn (chuyên gia Anders). Không có gì được kiểm chứng, chỉ toàn nghe đồn mà thôi”.
Ông Anders đáp lại bằng cách trao cho đại diện Trung Quốc một bì thư chứa vỏ đạn mà ông tìm thấy để người Trung Quốc tự kiểm chứng. Ông này nhận bì thư nhưng sau đó không chịu trả lời.
Thật ra, Trung Quốc cũng có câu trả lời nhưng được thể hiện ở chỗ khác. Tháng 1-2011, Trung Quốc bác bỏ quyết định tái ký hợp đồng với chuyên gia Anders, đồng nghĩa với trục xuất ông này ra khỏi Ban Chuyên viên của Hội đồng Bảo an. Sau đó, ông Anders chuyển công tác qua bộ phận gìn giữ hòa bình của LHQ ở Bờ Biển Ngà.
WP dẫn lời một số nhà ngoại giao trong Hội đồng Bảo an cho biết các nhà ngoại giao Trung Quốc ở New York thừa nhận rằng cách ứng xử của họ là phù phiếm. Thế nhưng, thế lực của phe cứng rắn ở Bắc Kinh quá mạnh, nhất là cánh quân đội kiểm soát xuất khẩu vũ khí.
Kỳ tới: Nghi án Libya
Bình luận (0)