Ngày 20-9, Mỹ tuyên bố sẽ bán cho Indonesia 8 chiếc trực thăng chiến đấu Apache AH-64/D nhằm tăng cường quan hệ an ninh với quốc gia rộng lớn nhất Đông Nam Á và cũng là quốc gia có tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Tuyên bố trên được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiếp người đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa tại Washington. Bà Clinton cho biết thêm Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn việc bán máy bay này.
Đông Nam Á chi 24,5 tỉ USD
Năm ngoái, Indonesia đã đặt mua 6 máy bay tiêm kích Nga Su-30MKK trị giá 470 triệu USD, 3 chiếc tàu ngầm Hàn Quốc trị giá gần 1,1 tỉ USD, 9 chiếc vận tải cơ tầm trung NC-295 của Tây Ban Nha trị giá 325 triệu USD, 8 chiếc Embraer EMB-314 Super Tucano chống nổi loạn của Brazil...
Để tăng cường sức mạnh quân đội, Indonesia tăng ngân sách quốc phòng 28%, từ 5,45 tỉ USD (năm 2011) lên 7,01 tỉ USD (năm 2012). Từ nay đến năm 2014, mỗi năm sẽ tăng thêm ít nhất 20%. Lợi thế của Indonesia là tăng trưởng kinh tế của nước này tăng đều.
24,5 tỉ USD là tổng chi phí quân sự mà các nước Đông Nam Á đã bỏ ra trong năm 2011, theo nghiên cứu của các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế Stockholm (SIPRI), một tổ chức quốc tế chuyên về các vấn đề quân sự. Con số này tăng 14,5% so với năm 2010. Nó có thể tăng lên 40 tỉ USD vào năm 2016, theo dự báo của tạp chí Jane.
Chạy đua vũ trang
Tại Hội nghị Đối thoại Quốc phòng Quốc tế tổ chức 3 ngày tại thủ đô Jakarta, ông Yudhoyono khẳng định: “Việc tăng chi phí quốc phòng này cần được xem là một tiến trình hiện đại hóa quân sự chứ không phải một cuộc chạy đua quân sự”. Tuy nhiên, ông có nói thòng một câu “với điều kiện kèm theo sự tín nhiệm và lòng tin giữa các nước”.
Đáng chú ý nhất, theo các chuyên gia của Học viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) có trụ sở ở London, lần đầu tiên trong lịch sử cận đại, chi phí quân sự châu Á sắp vượt qua châu Âu.
Năm 2011, châu Á chi 262 tỉ USD so với 270 tỉ USD của châu Âu nhưng ngay trong năm nay, châu Âu có thể bị “qua mặt”. Đầu năm, Bắc Kinh loan báo sẽ tăng 11,2% ngân sách quốc phòng, còn Ấn Độ cũng có mức tăng tương ứng do nhu cần hiện đại hóa và tăng cường khả năng quân sự. Năm ngoái, ngân sách quốc phòng Ấn Độ đã tăng 11,6% bất chấp các biện pháp khắc khổ trong vài lĩnh vực khác.
Cựu lục địa châu Âu, do khủng hoảng nợ công hoành hành, sẽ phải giảm chi phí quân sự trong các năm tới trong khi tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á vẫn giữ được tốc độ nhanh và cao. Thậm chí, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và SIPRI, chi phí quân sự của Trung Quốc sau năm 2035 sẽ qua mặt Mỹ với mức 1.800 tỉ USD vào năm 2050 so với khoảng 1.300 tỉ USD của Mỹ.
Theo ông Rahul Roy - Chaudhary, chuyên gia của IISS, chi phí quân sự tăng do các cường quốc “canh me”nhau. Ví dụ, Trung Quốc nhìn chi phí quân sự của Mỹ gia tăng ở châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Ấn Độ nhìn Trung Quốc, đặc biệt cách hiện đại hóa hải quân của nước này với mục đích thâu tóm tài nguyên ở biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế.
Cựu tổng thống Philippines Fidel V. Ramos cũng từng nhận định rằng: “Chính việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự đã buộc các nước láng giềng phải gia tăng chi phí quân sự”.
Kỳ tới: Đua nhau sắm tàu chiến
Bình luận (0)