Theo cáo trạng, các sĩ quan Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) đã bí mật do thám máy tính của chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton và các ủy ban tranh cử của đảng Dân chủ, cũng như đánh cắp lượng lớn dữ liệu.
Tại một cuộc họp báo cung cấp thông tin về cáo trạng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein nói thêm rằng các bị cáo không chỉ công bố số tài liệu đánh cắp mà còn chuyển chúng đến một tổ chức khác (không được nêu tên trong cáo trạng) và thảo luận về thời điểm tung chúng ra để gia tăng tác động lên cuộc bầu cử.
Ông Rosenstein cho biết đã báo cáo với ông Trump về cáo trạng, trong đó không có cáo buộc nào nhằm vào công dân Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein tại cuộc họp báo hôm 13-7. Ảnh: Reuters
Việc truy tố là một phần của cuộc điều tra đang được Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành nhằm vào cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Ngoài ra, ông Mueller còn đang điều tra liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga và liệu nhà lãnh đạo này có tìm cách cản trở trái phép cuộc điều tra hay không.
Đây là lần đầu tiên ông Mueller cáo buộc trực tiếp Moscow có hành vi can thiệp bầu cử Mỹ dù Điện Kremlin cho đến giờ vẫn khẳng định sự vô can.
Động thái trên chắc chắn làm gia tăng sức ép lên cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, dự kiến diễn ra ở Phần Lan ngày 16-7.
Một số nghị sĩ đảng Dân chủ lập tức kêu gọi ông chủ Nhà Trắng hủy cuộc gặp này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp báo ở Anh hôm 13-7. Ảnh: Reuters
Vài giờ trước khi cáo trạng được công bố, ông Trunmp tiếp tục chỉ trích cuộc điều tra của ông Mueller đang làm tổn thương quan hệ Mỹ - Nga. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ hỏi ông Putin về chuyện can thiệp bầu cử khi hai người gặp nhau vào đầu tuần tới.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga nhận định cáo trạng trên được công bố nhằm phá hoại bầu không khí trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Bộ này nói thêm không có bằng chứng nào cho thấy 12 người Nga nêu tên trong cáo trạng có liên hệ với GRU hoặc tham gia tấn công mạng.
Viết trên mạng Twitter sau khi cáo trạng được đưa ra, ông Rudolph Giuliani, luật sư của ông Trump cho rằng không có người Mỹ nào liên quan đến vụ việc và đã đến lúc ông Mueller chấm dứt điều tra và xác nhận ông Trump hoàn toàn trong sạch.
Dù vậy, có một số cựu phụ tá của ông Trump đối mặt sự truy tố trong quá trình điều tra của ông Mueller, như cựu chủ tịch chiến tranh cử Paul Manafort và cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Bình luận (0)