Sau khi phát hiện hóa thạch của chủng người cổ đại Australopithecus tại khu vực Nam và Đông Phi vào giữa thế kỷ XX, các nhà khoa học cho rằng cái nôi của loài người là châu Phi.
Các hóa thạch được tìm thấy sau đó trong cùng khu vực, chẳng hạn dấu chân ở Laetoli - Tanzania có niên đại 3,7 triệu năm, càng củng cố giả thuyết loài người bắt nguồn từ châu Phi và không rời khỏi đó trong vài triệu năm.
Dấu chân giống người tại đảo Crete - Hy Lạp có niên đại 5,7 triệu năm Ảnh: UU.SE
Tuy nhiên, khám phá của các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Uppsala (Thụy Điển) trên đảo Crete đã làm lung lay giả thuyết nói trên, đồng thời bày ra một thực tế phức tạp hơn.
Dấu chân mới phát hiện có hình dạng rất đặc biệt, khác với tất cả loài động vật trên đất liền khác: lòng bàn chân dài, 5 ngón chân hướng về phía trước và không có móng, 1 trong 5 ngón chân to hơn hẳn các ngón còn lại - được xem là ngón cái với hình dạng, kích thước và vị trí tương tự của người hiện đại.
Lòng bàn chân này cũng ngắn hơn lòng bàn chân phát hiện ở Laetoli nhưng hình dạng giống nhau. Các nhà nghiên cứu kết luận rõ ràng chúng thuộc về một trong những chủng người đầu tiên, có phần nguyên thủy hơn cả chủng người ở Laetoli.
Hóa thạch mới in trên bãi biển đầy cát hoặc đồng bằng sông, trong khi hóa thạch ở Laetoli xuất hiện trên tro núi lửa. Nhà nghiên cứu Per Ahlberg của Trường ĐH Uppsala cho biết điều gây tranh cãi là niên đại và vị trí của dấu chân.
Với niên đại 5,7 triệu năm, dấu chân ở Crete "trẻ hơn" hóa thạch của loài Sahelanthropus được phát hiện ở Chad nhưng lại xuất hiện trước hóa thạch Ardipithecus hơn 1 triệu năm. Điều đó mâu thuẫn với giả thuyết Ardipithecus là tổ tiên trực tiếp của loài người sau này.
Hơn nữa, tất cả hóa thạch người có niên đại hơn 1,8 triệu năm đều đến từ châu Phi, dẫn đến kết luận đây là nơi loài người tiến hóa.
Bình luận (0)