Trả lời phóng viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi bên lề Hội nghị Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Đức, ông Obama cho biết cần phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn dòng chảy các chiến binh nước ngoài đổ vào Iraq và Syria gia nhập hàng ngũ thánh chiến.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thông báo Washington đang xem xét một loạt các kế hoạch để đào tạo và trang bị hiệu quả cho lực lượng an ninh Iraq, giúp họ tập trung chiến đấu chống lại phiến quân Hồi giáo. Ông còn thừa nhận Mỹ chưa có một chiến lược hoàn chỉnh do vẫn phải đợi sự cam kết từ chính quyền Baghdad cũng như cách thức tuyển dụng, đào tạo binh sĩ Iraq và phương pháp thực hiện sao cho chu toàn nhất.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với hãng tin Reuters rằng ý kiến của Tổng thống Obama không báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chiến lược của Mỹ tại Iraq. “Ông ấy đang nói về việc tăng tốc và tối ưu hóa công tác đào tạo, trang bị cho các lực lượng Iraq, bao gồm nhóm chiến binh người Sunni. Đó không phải chiến lược tổng thể chống IS mà vẫn là cho phép các lực lượng địa phương chiến đấu với phiến quân dưới sự hỗ trợ bởi chiến dịch không kích của liên minh quốc tế”.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Obama bị giới phê bình trong nước chỉ trích vì tuyên bố “chúng tôi không có chiến lược nào” để chống lại IS ở Syria sau khi chúng quay cảnh chặt đầu một nhà báo Mỹ và đưa lên mạng.
Chiến lược chống IS của phương Tây gần đây cũng bị đặt câu hỏi về tính hiệu quả sau khi Nhà nước Hồi giáo chiếm được TP Ramadi ở Iraq bất chấp bị liên minh không kích dữ dội. Tuy nhiên, cả ông Obama và Abadi trong cuộc họp báo đều tự tin khẳng định thành công của IS tại Ramadi chỉ là một “lợi ích chiến thuật ngắn hạn”.
Tại Washington, phát ngôn viên Quốc hội Iraq Saleem al-Jabouri kêu gọi Mỹ và đồng minh gia tăng cường độ các cuộc không kích và cho biết các bộ tộc Sunni ở phía Tây tỉnh Anbar không nhận được vũ khí đầy đủ.
Trong một cuộc họp báo riêng rẽ sau Hội nghị G7, Thủ tướng Anh David Cameron cho hay London cũng sẽ mở rộng sứ mệnh huấn luyện quân sự tại Iraq trong những tuần tới. Mỹ và Anh là hai nhân vật chủ chốt trong lần can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003 để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, dẫn đến một cuộc nội chiến kéo dài ở quốc gia này.
Bình luận (0)