Có một năm, gia đình tôi về đón Giáng sinh tại ngôi nhà cottage ở miền quê nước Anh. Năm đó, chúng tôi "chơi lớn’’ mua tới tận 2 cây thông để trang trí trong nhà.
Sau lễ Giáng sinh, trước khi quay lại Thụy Sĩ, tôi tiếc 2 cây thông quá nên trồng chúng vào vườn, một cây ở phía trước nhà và một cây ở phía sau nhà.
Rắc rối nảy sinh từ cây thông
Bẵng đi hơn một năm sau, chúng tôi ít về Anh vì công việc bận rộn và những chuyến đi khác, cây thông thì vẫn lớn như thổi nhưng cả tôi và chồng tôi đều không để ý. Cho đến một hôm, anh khi đó đang ở Mỹ gọi cho tôi đang ở Ấn Độ, nói cảnh sát vừa gọi điện cho anh ấy.
Họ thông báo rằng hàng xóm của chúng tôi đã gửi đơn lên sở cảnh sát, yêu cầu sự can thiệp của chính quyền vì... cây thông trồng phía trước nhà tôi nay đã khá cao, có khả năng cản tầm nhìn của gia đình họ (?!).
Cái gì cơ? Tôi nhớ rất rõ phản ứng vô cùng sốc của mình trước những gì chồng tôi thông báo. Tôi hỏi lại: "Vậy bây giờ cảnh sát muốn gì ở chúng ta? Cái cây nằm trong vườn nhà chúng ta cơ mà!’’.
Cũng phải kể thêm rằng ngôi nhà của chúng tôi ở Anh, trong một ngôi làng có địa thế đồi dốc và nhà chúng tôi nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, nên nhìn chung đã cao hơn các nhà khác trong làng một chút, vì vậy nên dù cây thông đó chưa cao lớn lắm cũng đã ngang tầm nhìn của nhà đối diện ở phía trước!
Chồng tôi nói anh phải thu xếp chuyến công tác về sớm hơn một ngày, sau đó ngay lập tức bay về Anh để giải quyết cái cây này, nếu không, cảnh sát nói họ sẽ vào vườn và cưa cái cây mang đi.
Tôi nói nếu họ đã không cho phép thì để họ tự vào mà cưa đi, việc gì anh phải mua vé máy bay về Anh chỉ để làm việc đó. Ảnh nói không được đâu, nếu họ vào làm việc này, họ sẽ gửi hóa đơn cho mình thanh toán chi phí, tốt hơn là mình nên tự thu xếp nếu không muốn bị ngạc nhiên... lần nữa về cái hóa đơn. Nghe nói đến đó, tôi không cãi thêm lời nào!
Trong rất nhiều năm, tôi rất thường nghe câu nói: "Bên Tây họ tự do lắm, người ta tôn trọng sự khác biệt nên mọi người luôn được tự do làm điều mình muốn!". Câu này chỉ đúng, nếu bạn hiểu những định nghĩa về "tự do’’ ở phương Tây.
Tự do trong tự do của người khác
Thực ra có rất nhiều thứ là "tự do" ở môi trường sống này nhưng lại không được chấp nhận ở một môi trường sống khác. Và một điều mà tôi khá chắc chắn rằng "tự do’’ không phải là "mình muốn làm gì thì làm", ở cả phương Đông lẫn phương Tây.
Người phương Tây, ít nhất là những nơi tôi đã sống và làm việc, đúng là họ rất tôn trọng sự khác biệt về bản sắc cá nhân.
Ví dụ, trong môi trường công sở mà tôi làm việc, tôi gặp không ít nam đồng nghiệp để tóc dài, buộc đuôi gà phía sau, thậm chí họ còn giữ những chức vụ quản lý cấp cao nữa.
Rõ ràng việc để một kiểu tóc khác biệt với phần lớn những người xung quanh hay có hình xăm lớn trên những phần lộ ra của cơ thể hoặc đeo khuyên mũi… là những điều dường như không ảnh hưởng đến công việc của những đồng nghiệp mà tôi biết.
Một ngôi làng ở Thụy Sĩ với những ngôi nhà chalet truyền thống vẫn giữ nguyên kiến trúc, cảnh quan vì lợi ích chung của cộng đồng
Tuy nhiên, tôi đã từng chứng kiến một anh đồng nghiệp của tôi đeo khuyên tai, sau khi đỗ xe vào bãi gửi xe, bước ra khỏi xe, anh nhận ra một bánh xe có vẻ hơi lấn sang vạch phân cách với chỗ đậu bên cạnh, lập tức quay vào xe để chỉnh lại đến khi xe mình nằm ngay ngắn giữa hai vạch phân cách mới dừng.
Điều này cho thấy việc tự do thể hiện bản thân mình khác với việc làm những điều mình thích mà không quan tâm đến sự ảnh hưởng tới người khác.
Nhà triết học của phương Tây John Locke (1632-1704) cho rằng: "Tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào". Nhưng cũng chính ở những nước phương Tây, luật pháp cực kỳ nghiêm minh để bảo đảm rằng mỗi người tìm thấy tự do của mình trong tự do của người khác, đây là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và độc lập của mỗi cá nhân.
Tự do không có nghĩa là một người có thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không phải gánh chịu hậu quả. Tự do của người này không thể làm tổn hại đến sự tự do của người khác. Con người được tự do trong khuôn khổ để không làm tổn hại đến sự tự do của bất kỳ ai.
Rèn luyện để có ý thức
Một số người sang châu Âu nói với tôi rằng ý thức của người dân ở đây thật tốt, họ luôn tránh việc làm ảnh hưởng đến người khác. Thực tế là họ đã được rèn luyện để có được ý thức đó và đó là những sự rèn luyện có trả phí, thậm chí là phí rất cao.
Mỗi khi tôi bay về lại nhà mình ở Thụy Sĩ, sau một chuyến đi, có thể chồng tôi ra đón hoặc cũng có thể tôi tự gọi xe từ các ứng dụng thuê xe.
Nếu tôi gọi xe thì tôi sẽ luôn luôn di chuyển ra khu vực mà xe được phép đến đón mới bắt đầu đặt xe, điều này đồng nghĩa với việc tôi có thể phải đứng chờ khá lâu.
Còn nếu tôi gọi xe trước và không có mặt khi xe đến đón, họ sẽ không đợi tôi và tôi sẽ bị tính phí, rất cao, thậm chí nếu vài lần như vậy, tôi sẽ bị khóa tài khoản ứng dụng, không được gọi xe trên ứng dụng đó nữa.
Vậy tại sao xe đó không dừng lại chờ tôi một chút? Bởi vì ở Thụy Sĩ họ sẽ bị phạt rất nặng nếu dừng đậu ở những nơi cấm dừng đậu xe.
Khi về Việt Nam, tôi có lẽ là người duy nhất ra đến khu vực đón xe mới đặt xe và người lái xe của tôi thường phải xếp sau một hàng dài những chiếc xe mà người đặt xe có khi vẫn còn đang chờ lấy hành lý! Rõ ràng khi ý thức về tính cộng đồng không được xây dựng thì càng tự do càng bất lợi.
Một năm trước, tôi ấp ủ kế hoạch sửa chữa lại ngôi nhà đồng quê của chúng tôi ở Anh để về đó ở nhiều hơn vào mùa hè. Nhưng chồng tôi bảo không muốn đập đi phần phía trước của ngôi nhà, bởi đó chính là phần quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp tổng thể với những nhà khác ở làng này, vẻ đẹp đặc trưng của những ngôi nhà nông thôn từ thế kỷ XVIII còn giữ lại đến nay, mình không thể phá bỏ nó...
Cuối cùng, chúng tôi đã không còn một cây thông ở vườn trước của nhà mình nữa nhưng tôi có tự do trang trí bất cứ loại đèn màu sắc nào trên cây thông phía sau nhà...
Bình luận (0)