Trang Australian Financial Review hôm 19-2 dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết thông tin trên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull trong cuộc gặp hồi tháng 11-2011. Ảnh: Reuters
Quan chức giấu tên nói trên nói rằng kế hoạch liên quan tới bốn đối tác vẫn còn mới và "chưa đủ độ chín để được công bố" trong chuyến thăm Mỹ cuối tuần này của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.
Tuy nhiên, nguồn tin khẳng định dự án nằm trong chương trình nghị sự mà ông Turnbull và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trao đổi và đang được thảo luận nghiêm túc. Nguồn tin cho biết thêm dự án này được gọi là giải pháp "thay thế", thay vì "đối đầu" với sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.
"Không ai nói rằng Trung Quốc không nên xây dựng cơ sở hạ tầng"- quan chức Mỹ nói. "Trung Quốc có thể xây cảng biển, nhưng chỉ riêng điều đó thì không khả thi về kinh tế. Chúng ta có thể làm cho nó khả thi về kinh tế hơn bằng cách xây dựng một tuyến đường bộ hoặc đường sắt liên kết cảng".
Theo Reuters, các đại diện của Thủ tướng Úc, Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo chưa đưa ra bình luận về tiết lộ này.
Trong khi đó, khi được hỏi tại một cuộc họp báo về việc này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ vẫn thường xuyên trao đổi quan điểm về các vấn đề có lợi ích chung.
"Đây không phải chuyện chống lại Vành đai và Con đường của Trung Quốc"- ông Suga nói.
Trong khi đó, Nhật Bản đang có kế hoạch dùng nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của mình để thúc đẩy một "Chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương cởi mở và tự do" rộng lớn hơn, trong đó có "chiến lược cơ sở hạ tầng chất lượng cao".
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng đang được Washington nhấn mạnh và được xem như một đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Được đề cập lần đầu tiên trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới các sinh viên ở Kazakhstan năm 2013, kế hoạch Vành đai và Con đường của Bắc Kinh là phương tiện để mở rộng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế bằng cách tài trợ và xây dựng đường giao thông và thương mại kết nối toàn cầu tại hơn 60 quốc gia.
Ông Tập đang đẩy mạnh sáng kiến này, mời các nhà lãnh đạo thế giới đến Bắc Kinh hồi tháng 5-2017 để tham dự hội nghị thượng đỉnh phát động sáng kiến, tại đó ông cam kết tài trợ 124 tỉ USD cho kế hoạch này và đưa nó vào hiến pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10-2017.
Hồi tháng 1, Bắc Kinh đã để lộ tham vọng mở rộng sáng kiến tới Bắc Cực bằng cách phát triển các tuyến vận tải biển do sự nóng lên toàn cầu, hình thành "Con đường Tơ lụa Bắc Cực".
Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc gần đây đã khôi phục đàm phán bốn bên nhằm tăng tăng cường hợp tác an ninh và phối hợp các giải pháp thay thế cho chiến lược tài trợ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Bộ tứ còn được gọi là "Tứ giác kim cương" này nhằm thảo luận và hợp tác về an ninh này đã gặp nhau lần đầu tiên một thập kỷ trước, một động thái khiến Bắc Kinh không hề dễ chịu. Các cuộc thảo luận mới nhất được nối lại tại Manila bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á tháng 11-2017.
Bình luận (0)