xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ Kiều Phong đến Khiết Đan

THIÊN TƯỜNG

Ai từng đọc tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên long bát bộ của Kim Dung sẽ không thể quên chàng hiệp sĩ Kiều Phong. Chỉ vì xuất thân là người Khiết Đan mà Kiều Phong phải chịu bao nguy khốn vì bị người trung nguyên kỳ thị. Cuối cùng chàng phải chọn cái chết để hóa giải những thâm thù sắc tộc... Khiết Đan - một vương triều hùng mạnh biến mất, một giai đoạn lịch sử chìm sâu, một dân tộc trôi vào dĩ vãng. Khiết Đan - một cái tên thần bí mà xa xôi...

Ngày 21-6-1922, tại một ngôi cổ mộ đã bị trộm viếng ở Ba Lâm Thạch Kỳ thuộc Nội Mông, Trung Quốc, một giáo sĩ phương Tây tên Kervin phát hiện một bia đá trên có khắc đầy những phù hiệu kỳ quái theo hàng lối như văn tự.

Lúc ấy không ai “đọc” được những phù hiệu này và gọi đó là “thiên thư” (sách trời). Những phù hiệu này đến từ đâu và truyền đạt cho người đời những thông điệp gì?

Câu đố từ “thiên thư”

Qua khảo chứng xác định ngôi mộ này của người Khiết Đan từ hơn 900 năm trước, như vậy những phù hiệu kia phải chăng là chữ Khiết Đan? Theo sử thư thì người Khiết Đan sau khi lập nước Đại Liêu đã sáng tạo ra chữ Khiết Đan. Tuy nhiên, loại chữ này sau đó đã thất truyền, tính đến nay có hơn 700 năm. Giờ đây hầu như không còn thấy loại chữ cổ này nữa.

Một số chuyên gia Trung Quốc quyết đoán rằng “thiên thư” chính là văn tự Khiết Đan đã bị chôn vùi bao năm tháng. Tiếp đó, nhiều văn tự và văn vật Khiết Đan được khai quật ở vùng cương thổ triều Đại Liêu năm xưa, thông qua phá giải văn tự người ta biết nhiều về triều đại này hơn.

Năm 1986, tại khu tự trị Nội Mông Cổ phát hiện một ngôi mộ hợp táng công chúa và phò mã Khiết Đan. Cách thức xây dựng mộ huyệt, tang chế rõ ràng chịu ảnh hưởng của văn hóa trung nguyên.

Tuy di thể toàn bộ đã tan rã nhưng những sợi tơ bạch quanh người và mặt nạ bằng vàng úp trên đầu đã nói lên sự tôn quý của chủ nhân lúc sinh tiền.

Đồ tùy táng gồm vật phẩm bằng vàng, ngọc được chạm trổ cực kỳ tinh xảo thể hiện trình độ chế tác thủ công mỹ nghệ đương thời rất cao, và chính điều này đã mở ra một hướng nhìn khác về người Khiết Đan chuyên cưỡi ngựa bắn cung.

Từng hùng bá một nửa đất Trung Hoa

“Khiết Đan” có nghĩa là thép ròng, kiên cố, cứng rắn. Đây là một dân tộc dũng mãnh, hung hãn có tiếng, thuộc phương Bắc Trung Hoa.

Từ 1.400 năm trước, cái tên “Khiết Đan” đã được chép trong Ngụy thư. Họ có binh hùng ngựa khỏe, kiêu dũng thiện chiến. Năm 947, một thủ lĩnh bộ lạc tên là Gia Luật A Bảo Cơ đã thống nhất các bộ tộc Khiết Đan, lập ra nước Khiết Đan, năm 947 đổi quốc hiệu là Đại Liêu.

img
Tháp Liêu của người Khiết Đan

Vương triều Đại Liêu hùng bá nửa dải giang sơn Trung Hoa, chiếm giữ phía Bắc hơn 200 năm, tranh bá đồ vương với triều Tống thành thế Bắc Nam đối đỉnh, nhiều phen khiến Tống triều khốn đốn.

Vào thời gian này, “con đường tơ lụa” từ trung nguyên Trung Hoa sang phương Tây bị cắt đứt. Các nước thuộc vùng Trung Tây Á-Âu đều ngỡ rằng Khiết Đan thống trị cả Trung Hoa.

Trong ghi chép của nhà thám hiểm Maco Polo lần đầu tiên giới thiệu phương Đông với phương Tây đã lấy tên Khiết Đan mệnh danh Trung Hoa.

Cho đến ngày nay, trong các nước thuộc hệ ngôn ngữ Slavơ vẫn gọi Trung Hoa là “Khiết Đan”. Tại Trung Quốc ai cũng biết về “Dương gia tướng”.

Đây chính là câu chuyện ở sa trường từ 1.000 năm trước về quân đội triều Tống dưới sự thống lĩnh của Dương gia tướng chống lại quân Khiết Đan hùng mạnh.

Văn hóa Khiết Đan

Dân tộc Khiết Đan không chỉ sáng tạo nên một đế quốc quân sự mà còn cả một nền văn hóa xán lạn.

Thể hiện rõ nét nhất nền văn hóa này là những chùa Liêu và tháp Liêu. Hiện ở khu vực phía bắc Hoàng Hà còn bảo tồn chùa Cổ Phật và Phật tháp nguy nga hùng vĩ của dân tộc Khiết Đan. Trải qua ngàn năm mưa gió nó vẫn uy nghi, vững chãi như mới.

Đặc biệt, tháp Thích Ca ở huyện Ứng, tỉnh Sơn Tây hiện nay là kiến trúc tháp bằng gỗ cổ nhất và cao nhất thế giới. Dù đã trải qua nhiều trận động đất mạnh, nó vẫn không hề hấn gì cho thấy kỹ thuật xây dựng của người Khiết Đan không phải xoàng.

Một dân tộc sáng tạo ra nền văn hóa huy hoàng như thế nhất định phải dựa trên cơ sở kinh tế vững chắc với lực lượng hùng hậu và trình độ kỹ thuật, nghệ thuật khá cao. Đồng thời cũng có thể thấy vương triều Khiết Đan hấp thu nhiều luồng văn hóa.

Thông qua đường mậu dịch với triều Tống, người Khiết Đan đã tiếp nhận từ nhân tài người Hán đến những kỹ thuật sản xuất tiên tiến... Người Khiết Đan hùng dũng trên lưng ngựa đã tạo cho phương Bắc Trung Hoa một thời kỳ phát triển phồn thịnh.

Nhưng một vương triều cường thịnh như thế lại tựa hồ mây khói tiêu tan ở cuối chân trời, không hình không ảnh. Hai nước Đại Liêu và Bắc Tống giằng co với nhau hơn 160 năm thì điều bất ngờ xảy ra: Kẻ tiêu diệt Đại Liêu lại chính là tộc Nữ Chân - một bộ tộc từng quy phục Khiết Đan trước đó.

Thủ lĩnh tộc Nữ Chân là Hoàn Nhan A Cốt Đả đã bất ngờ tấn công lãnh thổ Đại Liêu, đánh thành, cướp đất và tàn sát người Khiết Đan không nương tay. Năm 1115, tộc Nữ Chân lập nên triều Kim. Mười năm sau họ làm sụp đổ hoàn toàn vương triều Khiết Đan.

Một bộ phận người Khiết Đan may mắn sống sót đi theo hoàng thân Gia Luật Đại Thạch chạy về phía Tây, hình thành nước Ha Lạt Khiết Đan, còn gọi là Tây Liêu, ở giữa Trung Á và Tân Cương, Trung Quốc ngày nay. Nước này cũng có lúc mạnh lên nhưng cuối cùng bị đại quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn tiêu diệt.

Sau đó, những tàn dân Khiết Đan lại chạy về miền Nam của Iran ngày nay lập nên vương triều Khởi Nhi Man. Không lâu sau vương triều này cũng chịu chung số phận của vương triều Khiết Đan, tuyệt hẳn tung tích giữa vùng sa mạc mênh mông.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo