Cuộc khảo sát của Tổ chức Cộng đồng Caritas (Hồng Kông) và Trường ĐH Thành phố Hồng Kông được tiến hành trong 2 tháng 9 và 10-2016 đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề stress của trẻ em: Khoảng 30% học sinh tiểu học và 40% học sinh THCS có nguy cơ tự tử do ảnh hưởng từ sự thay đổi môi trường học và quan hệ xã hội.
Cảnh báo này được đưa ra sau khi cuộc nghiên cứu yêu cầu 913 học sinh trả lời 30 câu hỏi về mức độ suy nghĩ đến chuyện tự tử, suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm, lo lắng và căng thẳng gia đình. Ngoài ra, những học sinh này được hỏi về cảm nhận đối với tương lai, liệu các em có xem bản thân là gánh nặng của người khác hoặc bị cô lập với môi trường xung quanh hay không.
Một cuộc khảo sát mới cho thấy nhiều học sinh có nguy cơ tự tử ở Hồng Kông Ảnh: SCMP
Kết quả cuộc khảo sát càng làm nhà chức trách Hồng Kông thêm lo lắng theo sau một loạt vụ tự tử của thanh thiếu niên thời gian qua. Nhiều chuyên gia cho rằng học sinh cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ phụ huynh, giáo viên hoặc nhân viên xã hội trong trường hợp cảm thấy chán nản hoặc gặp rắc rối với chuyện ăn ngủ.
Song song đó, các bậc cha mẹ cũng được khuyên thể hiện sự chăm sóc và quan tâm nhiều hơn về những khó khăn trong cuộc sống mà con trẻ gặp phải. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông), bà Sylvia Kwok Lai Yuk-ching, chuyên gia Trường ĐH Thành phố Hồng Kông, nhìn nhận những học sinh xuất thân từ gia đình chỉ có cha hoặc mẹ có nguy cơ tự tử cao vì các em có xu hướng bi quan hơn.
Còn tại Trung Quốc, tác động tiêu cực trên thế giới ảo cũng đe dọa khiến không ít thiếu niên có suy nghĩ lệch lạc, gây tổn hại cho bản thân. Một học sinh 17 tuổi họ Xu ở TP Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông bị bắt hôm 12-5 vì cáo buộc lan truyền nội dung cực đoan trên mạng. Theo trang Beijing News (Trung Quốc), Xu đăng tải thông điệp có nội dung liên quan đến trò chơi trực tuyến "Blue Whale" (Cá voi xanh) - khuyến khích người chơi tự làm hại bản thân, thậm chí tự tử - trong nhóm tán gẫu trực tuyến gồm 500 thành viên mà thiếu niên này quản lý.
Theo quy định của trò chơi "Blue Whale", quản trị nhóm sẽ đặt ra một loạt nhiệm vụ mà người tham gia phải hoàn thành trong một khoảng thời gian bắt buộc. Các nhiệm vụ trong trò chơi có thể bắt đầu bằng hành động vô hại - như xem phim kinh dị trong nhiều giờ hoặc thức giấc vào những khung giờ bất thường - nhưng dần trở nên cực đoan và thường kết thúc với việc người tham gia được yêu cầu tự sát sau 50 ngày chơi.
Trò chơi này được cho là bắt nguồn từ Nga và bị quy trách nhiệm đối với cái chết của nhiều thanh thiếu niên khắp thế giới.
Những trường hợp nghi chơi "Blue Whale" đã được ghi nhận ở các tỉnh An Huy, Vân Nam và Tứ Xuyên. Trong khi đó, nhà chức trách Bắc Kinh đã xóa 1.300 bài viết liên quan đến trò chơi tự sát này trên mạng xã hội. Nhằm đối phó, chính quyền của ít nhất 15 tỉnh Trung Quốc đã lên mạng xã hội thúc giục thanh thiếu niên tránh xa trò chơi độc hại và nhắc các bậc cha mẹ lưu ý đến trào lưu nguy hiểm này.
Bình luận (0)